Thông tin Viện Dược vật học Thượng Hải và Viện Virus học Vũ Hán đã phát hiện loại thuốc Song Hoàng Liên (Shuanghuanglian) dạng lỏng của Trung Quốc có thể “ức chế” chủng virus corona mới (Covid-19) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.Song Hoàng Liên là một loại thuốc thường được dùng để chữa sốt, ho, viêm họng. Trong thuốc có các thành phần thảo dược vốn quen thuộc trong y học cổ truyền Trung Quốc như kim ngân hoa, hoàng cầm, liên kiều... Các thành phần này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Tuy nhiên, sau đó nhiều hoài nghi đã bùng lên, họ đặt ra câu hỏi liệu kết luận về khả năng “ức chế” virus corona của Song Hoàng Liên. Ức chế không có nghĩa là phòng chống và chữa trị.Trên thực tế là còn thiếu bằng chứng lâm sàng để chứng minh hiệu quả của thuốc. Phân tích một số vị thuốc của bài thuốc như sau:
Vị kim ngân hoa: Dùng cành lá và hoa phơi khô của cây kim ngân (Lonicera japonica Thunb.), họ Cơm cháy(Caprifoliaceae). Thành phần hóa học: lycosid (lonicerin), cả cây chứa tanin saponin, luteolin, inositol, carotenoid, carotenoid cryptoxanthin. Tác dụng dược lý: kim ngân hoa có phổ kháng khuẩn rộng, ức chế nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, ho gà, mủ xanh, bạch hầu, lao... ngoài ra còn có tác dụng ức chế một số nấm ngoài da. Công năng chủ trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết, giải biểu. Thanh nhiệt giải độc: dùng khi nhiệt độc sinh mụn nhọt, dị ứng, mẩn ngứa; thanh thấp nhiệt ở vị tràng. Giải biểu: kim ngân hoa có thể chất nhẹ, tính tuyên tán, có thể dùng trong trường hợp ngoại cảm phong nhiệt, ôn nhiệt sơ khởi (bệnh sốt nóng ở thời kỳ đầu). Thường phối hợp với liên kiều, bạc hà, kinh giới; lương huyết, chỉ huyết. Giải nhiệt, sát trùng: dùng trị bệnh sưng đau hầu họng, viêm amidan, đau mắt đỏ.
Vị thuốc kim ngân hoa
Vị thuốc hoàng cầm: là rễ phơi khô của cây hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georg.), họ Hoa môi (Lamiacaeae). Thành phần hóa học: Trong rễ hoàng cầm có tinh dầu, các dẫn xuất flavon: baicalin, bacalein, wogonoside, wogonin, skullcapflavone I, H, oroxylin A; còn có tanin và chất nhựa. Tác dụng dược lý: nước sắc hoàng cầm có tác dụng giải nhiệt. Phần aglycon của flavonoid có tác dụng lợi niệu.Dịch ngâm hoặc sắc có tác dụng hạ huyết áp, cầm máu. Hoàng cầm có tác dụng ức chế trực khuẩn bạch hầu, tụ cầu, song cầu khuẩn viêm não, song cầu khuẩn viêm phổi, trực khuẩn thương hàn, ho gà, lỵ (do phần aglycon). Công năng chủ trị: tả thực nhiệt, thanh thấp nhiệt, thanh phế chỉ khái, thanh trường chỉ lỵ, lương huyết, an thai; thanh thấp nhiệt, trừ hỏa độc ở phế: dùng trong bệnh phế ung, phế có mủ, viêm phổi gây sốt cao, ho do phế nhiệt; an thai; thanh thấp nhiệt ở vị đại trường; lương huyết chỉ huyết; thanh can nhiệt: dùng trị đau mắt đỏ, bí tiểu.
Vị thuốc hoàng cầm
Vị thuốc liên kiều: dùng quả phơi khô bỏ hạt của cây liên kiều (Forsythia suspensa Vahl.), họ Nhài(Oleaceae). Thành phần hóa học: saponin, alkaloid. Tác dụng dược lý: lợi niệu, cường tim, chống nôn, đối kháng với các cơn nôn do apomorphin gây ra, tăng sức bền mao mạch, đặc biệt là các mao mạch nhỏ. Dịch sắc liên kiều ức chế trực khuẩn lỵ, thương hàn, đại tràng, mủ xanh, ho gà, ho lao, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn viêm phổi, liên cầu khuẩn tan huyết, virus và một số nấm ngoài da. Công năng chủ trị: thanh nhiệt tại thượng tiêu, giải độc, tiêu thũng, tán kết, tiêu mủ. Thanh nhiệt giải độc, tán kết: dùng trị các chứng mụn nhọt sưng đau, tràng nhạc (loa lịch). Phối hợp với kim ngân hoa, bồ công anh, mỗi thứ 12g; giải biểu nhiệt: dùng trị ngoại cảm phong hàn, thường dùng ở thời kỳ đầu có sốt cao, sợ gió. Phối hợp với kim ngân, bạc hà, kinh giới, lô căn. Trường hợp xuất huyết, có thể phối hợp với kinh giới, cam thảo; hạt liên kiều có tác dụng thanh tâm nhiệt, lương huyết: dùng khi nhiệt tà nhập kinh tâm gây sốt cao, mê sảng.
Vị thuốc liên kiều
Tuy hiện tại còn thiếu bằng chứng lâm sàng để chứng minh hiệu quả của thuốc trên bệnh gây ra do virus corona nhưng các vị thuốc thuộc nhóm thanh nhiệt giải độc có thể có tác dụng cải thiện triệu chứng.
Thuốc thanh nhiệt là thuốc có tác dụng loại trừ nhiệt độc (thanh giải lý nhiệt), lập lại cân bằng âm dương. Đông y chia làm 2 loại nhiệt: sinh nhiệt và tà nhiệt.
- Sinh nhiệt tạo ra năng lượng cần thiết cho các quá trình chuyển hóa của các cơ quan trong cơ thể.
- Tà nhiệt gây ra các tác hại, bệnh tật cho cơ thể. Loại nhiệt này có thể từ ngoài đưa vào hoặc do chính quá trình hoạt động của tạng phủ tạo nên.
Biểu hiện của tà nhiệt là có sốt, thân nhiệt cao hơn bình thường (trên 370C), miệng khô khát, muốn uống nhiều nước mát. Trường hợp nặng hơn có thể gây mê sảng, phát cuồng, mạch hồng sác, thực, có khi xuất huyết, phát ban,… Cũng có khi cơ thể không bị sốt, nhưng có cảm giác nóng trong người, khô háo, người gầy, da khô, miệng háo khát, tiểu tiện nóng, sắc vàng hoặc đỏ, đại tiện bí táo, mạch sác, thực, phù... Có những trường hợp viêm nhiễm cục bộ mặc dù thân nhiệt vẫn bình thường, nhưng lại đau nóng âm ỉ trong xương hoặc mụn nhọt, sang lở…
Chứng lý nhiệt do những nguyên nhân khác nhau gây ra, có thể chia làm 2 nhóm chính:
- Thực nhiệt: hỏa độc, nhiệt độc gây ra các bệnh nhiễm khuẩn, truyền nhiễm; thấp nhiệt gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa; thử nhiệt gây sốt cao, say nắng.
- Huyết nhiệt: nhiệt sinh ra do hoạt động tạng phủ mất cân bằng (can hỏa vượng, tâm hỏa vượng,…) hoặc do dị ứng, nhiễm khuẩn (lở ngứa, ban chẩn,…); ôn nhiệt xâm phạm vào phần dinh huyết, làm hao tổn tân dịch, nhiễm độc thần kinh, rối loạn thành mạch, đây thường là những biến chứng trong giai đoạn toàn phát của các bệnh truyền nhiễm.
Đông y cho rằng nhiệt độc trong cơ thể là do 2 loại nguyên nhân:
- Nguyên nhân bên trong: do chức năng hoạt động của các tạng phủ quá yếu không đủ sức thanh thải chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa và bị ngưng tích lại. Ví dụ: khi chức năng can bị suy yếu, không đủ khả năng giải độc cơ thể, thận thủy quá yếu, làm giảm khả năng thanh lọc, chức năng truyền thông cặn bã của đại tràng quá yếu, khiến độc chất tích lại, tạo môi trường phát sinh mụn nhọt, sang lở, mẩn ngứa, dị ứng.
- Nguyên nhân bên ngoài: do bị côn trùng, rắn rết cắn, hơi độc của hóa chất, hoặc sử dụng thực phẩm độc hoặc có tính gây dị ứng.
Thuốc thanh nhiệt giải độc dùng khi bị sốt cao do bị nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm. Thuốc có tác dụng hạ sốt, tiêu độc, dùng trong các trường hợp ban sởi, mụn nhọt, sưng tấy, đau nhức, viêm nhiễm hô hấp, dị ứng, viêm da…
Chỉ nên dùng thuốc thanh nhiệt giải độc khi cơ thể bị nhiễm độc, cũng có thể dùng với tính chất dự phòng, giúp cho cơ thể tăng khả năng loại độc. Không nhất thiết phải dùng thuốc theo mùa, tuy nhiên, mùa xuân, mùa hè là 2 mùa cần sử dụng nhiều thuốc thanh nhiệt hơn.
Trong điều trị, cần phối hợp thuốc để tăng hiệu quả điều trị.
- Trong một bài thuốc, thường dùng nhiều vị thuốc thanh nhiệt giải độc (2 - 4 vị) để chống hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc và giảm liều từng vị thuốc, giúp cơ thể đỡ mệt (háo khát)
- Phối hợp với thuốc lợi niệu, nhuận tràng, giải biểu để hạ sốt.
- Phối hợp với thuốc thanh nhiệt lương huyết để chống tái phát, giảm bớt tình trạng thiếu tân dịch.
Thuốc thanh nhiệt tiêu độc thường có vị đắng, tính hàn, bao gồm: kim ngân hoa, bồ công anh, diếp cá, liên kiều, hoàng cầm, xạ can, rau sam, mần tưới, lưỡi rắn, xuyên tâm liên…
Trường hợp không dùng thuốc thanh nhiệt
- Tỳ vị hư hàn (hay đi tiêu chảy).
- Thực hàn trong - giả nhiệt ngoài. (chân hàn giả nhiệt).
- Sản phụ huyết hư sinh ra sốt, khó chịu.
- Sốt nhẹ về chiều (âm hư hỏa vượng).
- Ngoại cảm chưa chữa xong (biểu tà chưa giải hết).
Vị thuốc thanh nhiệt không được dùng đối với:
- Phụ nữ có thai: rễ cỏ tranh ( ạch mao căn), mẫu đơn bì - dạ minh sa, tê giác.
- Dương hư: thạch cao, sinh địa.
- Ngoại cảm phong hàn: địa cốt bì, ngân sài hồ.
Chú ý khi dùng thuốc
- Chỉ dùng khi bệnh thuộc lý. Nếu ở biểu bệnh vẫn còn mà đã xuất hiện lý chứng phải kết hợp “biểu lý song giải”.
- Chỉ dùng khi còn chứng bệnh, không dùng kéo dài.
- Các vị thuốc thanh nhiệt có vị ngọt tính hàn, gây nê trệ, phải phối hợp với thuốc kiện tỳ hòa vị (cam thảo, bạch truật). Các vị thuốc thanh nhiệt vị đắng tính hàn, gây khô táo, làm mất tân dịch, phải phối hợp với thuốc bổ âm sinh tân.
- Bệnh nặng dùng liều cao, bệnh nhẹ dùng liều thấp.
- Mùa hè dùng liều thấp, mùa đông dùng liều cao.
- Một số thuốc thanh nhiệt uống dễ nôn thì thêm gừng, hoặc uống nóng.
Cấm kỵ chung
- Không dùng khi bệnh còn ở biểu.
- Tỳ vị hư hàn, mất nước, mất máu dùng thận trọng.
- Có hiện tượng dương hư, chân hàn giả nhiệt không nên dùng.
Các vị thuốc thanh nhiệt giải độc và lượng thường dùng:
Kim ngân hoa 12 - 20g; ngư tinh thảo 12 - 20g, bồ công anh 12 - 20g, xích thược 04 - 12g, thanh đại 02 - 04g, liên kiều 12 - 20g, bạch hoa xà thiệt thảo 16 - 40g, xạ can 04 - 12g, mã sỉ hiện 12 - 20g, mần tưới 20 - 40g.
Bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa) 04 - 12g; xuyên tâm liên 08 - 12g, mã tiên thảo 08 - 12g.
Y học cổ truyền cũng là một nguồn lực không nên bỏ qua trong phòng và điều trị bệnh, nhất là ngày xưa giúp xử lý nhưng cơn dịch bệnh trong điều kiện nhất định thì y học cổ truyền với các nguồn lực tại chỗ, các vị thuốc bản địa dễ tìm và giá rẻ sẽ giúp giải quyết được các triệu chứng, nhiều vấn đề nan giải. Tuy nhiên, việc sử dụng y học cổ truyền không thể tùy tiện, dễ dãi mà cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn. Tác dụng của các bài thuốc y học cổ truyền phải được thăm khám, kê toa, chứ không tự ý dùng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe.