Hồi nhỏ đọc mấy cuốn sách đường rừng và phong tục rừng của các nhà văn Hoàng Bình Trọng, Đỗ Quang Tiến... thấy nhắc đến ma lai mà chả hiểu nó là cái gì, chỉ lơ mơ hiểu đấy là cái gì rất kinh khủng, khiếp đảm và... thần bí.
Hãy hình dung, rừng âm u thế (trong trí tưởng tượng trẻ con), với đủ thứ kinh hãi mà nhà văn có thể “thêm thắt” vào được, một cô gái trẻ bị đầy ra một cái chòi ở bìa rừng, cách xa dân làng, một mình, cô độc, mà cô ấy lại rất xinh đẹp và thông minh, cái gì cũng biết, xinh đến... ma cũng muốn ngó trộm, nhà văn tả mà chữ cứ rưng rưng. Và ở đấy, tất cả các tình huống trong đời thực và cả những tình huống mà chỉ nhà văn mới nghĩ ra, xuất hiện. Cô gái vừa mong manh vừa can đảm chống chọi, xử lý các tình huống. Người đọc - trẻ con - thì nín thở, hồi hộp và cuối cùng là... trùm chăn lại nhưng vẫn ti hí mắt đọc tiếp...
Chả nghĩ rồi lại có ngày mình lại chứng kiến ma lai.
Ma lai thường xuất hiện ở các trường hợp tự nhiên trong làng có biến như hỏa hoạn, dịch bệnh, ốm đau hay người chết bất đắc kỳ tử. Thậm chí tự nhiên vợ chồng đang hòa thuận thế, bỗng dưng nổi hứng cãi nhau. Nằm vắt tay lên trán, thấy tại sao lúc vợ chồng mình cãi nhau, cái thằng hàng xóm nó lại nhìn rồi tủm tỉm cười, thế thì đích thị nó là... ma lai rồi. Hay đứa con gái nhà kia, đang nhem nhuốc thế, mũi dãi lòng thòng thế, nhọ nhem nhọ thủi thế, khẳng khiu thế, ngực phẳng như cái lá thế, bỗng một ngày nào đó thấy nó lớn bổng lên, má hồng e ấp, ngực non nhu nhú, đẹp lên một cách không ngờ. Ơ, không ma lai thì là cái gì vào đấy... Tóm lại là tất cả cái gì không giải thích được, hoặc là giải được nhưng không thích, người ta bèn quy cho... ma lai.
Lần ấy, cách đây hơn hai chục năm, tôi đang đi công tác ở huyện (giờ là thị xã) Ayun Pa. Đột nhiên tin cấp báo về, ở làng ấy đang có ma lai, người ta sắp xử. Thế là rùng rùng các ban ngành xuất trận. Công an, tất nhiên, văn hóa, tất nhiên, dân vận, mặt trận, cũng đương nhiên... rồi phụ nữ, thanh niên, nông dân, huyện ủy, ủy ban... đến mấy xe u-oát nhao xuống. Tất nhiên tôi cũng leo lên một cái xe như thế, dù nó đã chứa đến mười mấy người.
Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp quan trọng nhằm xóa bỏ những hủ tục như ma lai, thuốc thư… (ảnh minh họa)
Xe lao thẳng ra một con suối, ở đấy cuộc xử ma lai đang chuẩn bị bắt đầu.
Thường thì dân làng (thực chất là từ một ông thầy cúng ất ơ nào đó, nhưng rất có uy tín với dân làng, cũng có thể là từ già làng hoặc một nhóm các già) có 2 cách xử lý ma lai. Một là đổ chì kiểm chứng: Những ai bị quy là ma lai hoặc bị dân làng nghi về một vấn đề gì đấy (trộm cắp, nói dối... chẳng hạn) đều bị thử bằng hình thức đổ chì. Chì được nấu lỏng, xong đổ vào lòng bàn tay nạn nhân, nếu chì không ăn thủng tay hoặc nạn nhân không thấy nóng, tức là nạn nhân vô tội. Cách thứ hai cũng kinh hoàng không kém là... lặn nước, thường xảy ra ở những cuộc tranh chấp tay đôi. Hai người trong cuộc cùng lặn xuống nước, ai ngoi lên trước là thua cuộc. Thường thì cả kẻ thua lẫn người thắng đều... tiêu đời. Vì ngoi lên trước thì làng giết, còn nằm lại thì Hà Bá ru...
Hôm ấy ở huyện Ayun Pa, Gia Lai, phải rất dằng dai, rất mất công sức, những người xuống giải quyết đông hơn dân làng, cuối cùng người ta đã xử lý như sau: Đồng ý với cách đổ chì, nhưng trước khi đổ vào nạn nhân, đề nghị đổ vào già làng và thầy cúng trước. Tất nhiên là các vị rụt tay lại. Nhưng quả là không phải bao giờ cũng sẵn có cán bộ để can thiệp ngay như hôm ấy và đây cũng là cách xử lấy dã man trị dã man mà thôi.
Trong một báo cáo về việc này, người ta thống kê rằng, “chỉ tính riêng trong năm 2015, trong toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra hơn 10 vụ có liên quan đến ma lai, thuốc thư tại 7 huyện gồm: Chư Păh, Đak Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê, Kông Chro và Krông Pa, làm chết 2 người, bị thương 4 người và thiệt hại về tài sản; các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt giam và khởi tố 4 bị can. Nguyên nhân chủ yếu do nghi kỵ nhau và hăm dọa dùng thuốc thư để hại người khác, dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau.
Xác định tình trạng ma lai, thuốc thư trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là một hiện tượng xã hội, Gia Lai đã xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình hình thực tế và triển khai thực hiện nhằm tiến tới xóa bỏ tình trạng ma lai, thuốc thư đang có chiều hướng diễn ra phức tạp.
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân vùng dân tộc thiểu số. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, đã in dịch và phát hành 13.000 cuốn sổ “bỏ túi” bằng song ngữ Việt - J’rai và Việt - Bahnar, với nội dung phân tích cụ thể, khoa học trên cơ sở các vụ việc ma lai, thuốc thư đang diễn ra và khẳng định, đó chỉ là mê tín điên cuồng trong một số ít người và chịu sự tác động mạnh của kẻ xấu, tổ chức phản động. Những cuốn sổ “bỏ túi” này đã được cấp phát đến tận các buôn làng và các già làng, trưởng bản dùng làm tư liệu trong các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng để tuyên truyền, vận động.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các già làng, trưởng bản cũng được nâng cao trong việc quản lý cộng đồng có liên quan đến tình hình an ninh trật tự nói chung và tình hình ma lai, thuốc thư nói riêng. Giải pháp ngăn chặn hoạt động trái phép của các thầy mo trong cộng đồng dân tộc thiểu số cũng được Gia Lai coi trọng, bởi đây là trò lừa bịp, dựa vào tình hình ma lai, thuốc thư để cúng lấy tiền, gây hoang mang lo lắng trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nếu ốm đau thì đến các cơ sở y tế điều trị bệnh miễn phí; nâng cao nhận thức, để loại bỏ ma lai, thuốc thư.
Ma lai thường đi kèm với thuốc thư, mà cả 2 thứ này thì đều là loại u u minh minh, chả ai tường tận, toàn là đồn thổi, nhưng thiệt hại gây ra là rất lớn. Nó không chỉ thiệt hại về người, tài sản, của cải vật chất, mà nguy hiểm hơn, nó gây những tâm lý bất ổn trong cộng đồng dân cư, trong xã hội. Từng có người đột nhiên nổi hứng, tuyên bố mình có... thuốc thư, muốn ai chết là thư người ấy.
Năm ngoái ở huyện Krông Pa có một vụ giết người rất dã man vì thuốc thư. Hai người đàn ông tên là Ksor Cheo và Nay Loang đã giết chết ông Kpă Phu chỉ vì sợ ông Phu có thuốc thư hại mình nên ra tay giết ông Phu trước. May là trước đó Cheo còn về nhà ông Phu định giết cả nhà ông nhưng không thành, chỉ làm bị thương vài người. Vụ này làm chấn động dư luận ở huyện Krông Pa và vùng lân cận khiến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phải tổ chức ngay một đoàn công tác xuống thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa tìm hiểu sự việc và tìm giải pháp xóa bỏ thuốc thư, ma lai...
Có anh chàng láu cá, tuyên bố mình có thuốc thư và bắt phụ nữ trong làng phải cho y... ngủ thì y tha, không thì y thư cho chết. Thế mà khá nhiều phụ nữ vì sợ bị thư đã phải chấp nhận yêu cầu bệnh hoạn của y. Tất nhiên sau đấy sự việc cũng bị lộ và chính quyền lại phải... bảo vệ người đàn ông láu cá này không thì chồng của các bà kia xơi tái y ngay...
Điểm khác biệt lớn nhất giữa sự “hiểu biết” từ nhỏ của tôi đối với ma lai và ma lai thực sự bây giờ ấy là hồi nhỏ thì nghe nói ma lai có khả năng hút máu người. Người bị ma lai hút máu cứ thế hết máu mà chết, và ma lai tồn tại được bởi nó được hút máu người như một loại thức ăn của nó. Còn trong sự thực hôm nay thì ma lai không hút máu ai cả, nó chỉ thư cho chết. Nhưng thuốc thư là gì và thư như thế nào thì cũng chỉ... nghe đồn, cũng chỉ do các ông thầy cúng hoặc già làng, thậm chí do chính... ma lai, tưởng tượng ra, nói phao ra thế và rồi náo loạn cả làng lên...
Đa phần các ý kiến của những người có trách nhiệm bây giờ cho rằng, ma lai, thuốc thư là hệ quả của việc thiếu hiểu biết và cách hữu hiệu nhất là nâng cao trình độ hiểu biết cho bà con. Nghe cũng có lý, nhưng hình như vẫn chưa đủ. Ngay người Kinh chúng ta, rất nhiều người bằng cấp đầy mình, nhưng mê tín một cách rất hoang đường. Cũng xem ngày tốt ngày xấu, cũng cúng bái lễ tạ rất rình rang công phu, nhiều việc không thể lý giải được, họ đặt hết niềm tin vào đấng siêu nhiên bí ẩn nào đấy, và vì thế, càng ngày các lễ hội tâm linh càng phát triển, đền chùa miếu mạo càng mọc lên dày đặc, các ông đồng bà cốt xuất hiện ngày càng nhiều (kể cả nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm, có thể nói chuyện được với người cõi âm, có người đã chết hàng mấy trăm năm), có khi chả vì lý do gì. Và cũng không phải không có những người tổ chức kinh doanh và kinh doanh rất thành công, sự “mù quáng” này...
Và việc lợi dụng hiện tượng ma lai trong cộng đồng bà con dân tộc Tây Nguyên cũng là sự đáng báo động. Có khi chỉ vì ghét nhau mà đổ cho người ấy người kia là ma lai rồi kéo cả làng đến giết cả nhà người ta. Những cái chết bất ngờ, những hạn hán dịch bệnh, cả hỏa hoạn, lũ lụt... đều là cái cớ cho ma lai xuất hiện...
Vậy nên, ma lai vẫn còn là bí ẩn, dù về mặt nào đấy, ai cũng biết nó là chuyện hoang đường...