Thực hư chuyện cán bộ y tế bị nhiễm xạ?

14-10-2012 18:07 | Tin nóng y tế

Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Bình Thuận xôn xao về thông tin 6 cán bộ y tế của BVĐK tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu bị ảnh hưởng của phóng xạ. PV báo Sức khỏe & Đời sống đã vào cuộc tìm hiểu.

(SKDS) - Những ngày qua, dư luận tại tỉnh Bình Thuận xôn xao về thông tin 6 cán bộ y tế của BVĐK tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu bị ảnh hưởng của phóng xạ. PV báo Sức khỏe & Đời sống đã vào cuộc tìm hiểu.

6 cán bộ bị ảnh hưởng nhiễm xạ hay yếu tố khác?

Theo tìm hiểu của báo SK&ĐS, ngày 30/8/2012, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có gửi báo cáo cho BVĐK tỉnh Bình Thuận thông báo về kết quả phân tích sai hình nhiễm sắc thể theo hợp đồng ký kết “Kiểm tra mức độ sai hình nhiễm sắc thể” giữa BVĐK tỉnh Bình Thuận và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Theo đó, 11 cán bộ y tế của BVĐK tỉnh Bình Thuận đã được gửi đến Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để lấy mẫu kiểm tra - việc gửi cán bộ y tế hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến an toàn bức xạ là hoạt động thường niên của BVĐK tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, 8 trên tổng số 11 cán bộ được kiểm tra không phát hiện thấy sự khác thường về kiểu sai hình do phóng xạ. 2 cán bộ y tế phát hiện sai hình đa tâm ở mức 1/1000 tế bào, định liều ở mức dưới 10mSv. 1 cán bộ y tế với mức 3 sai hình đa tâm trong một tế bào. Về các kiểu sai hình đặc trưng tác động của các yếu tố phóng xạ: 6 trong tổng số 11 cán bộ y tế được phát hiện thấy loại hình sai hiếm gặp liên kết tạo cánh... Kết luận của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng nêu rõ, trong tổng số 11 cán bộ y tế được gửi đi lấy mẫu, có 4 mẫu cho kết quả an toàn, có 2 mẫu có phát hiện thấy ảnh hưởng ở mức liều dưới 10mSv (mức cho phép là 20mSv). Riêng 1 cán bộ có kết quả ở mức liều cao hơn 20mSv. Ngoài ra, có 6 cán bộ có bị ảnh hưởng của các yếu tố khác phóng xạ (chưa rõ là yếu tố nào). Theo PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viên Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, so với kết quả năm 2011 mà BVĐK tỉnh Bình Thuận gửi cán bộ y tế đến Viện lấy mẫu kiểm tra, hiện trạng sai hình nhiễm sắc thể tập trung cao ở 1 cán bộ.

Nhiễm phóng xạ do đâu?

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Thuận cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo kết quả của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo Phòng Tổ chức cán bộ của bệnh viện giảm tiếp xúc với máy móc đối với 1 cán bộ y tế, đồng thời động viên các cán bộ y tế khác làm nhiệm vụ trong khoa chẩn đoán hình ảnh yên tâm tiếp tục làm việc.

Về vấn đề cửa của phòng chụp Xquang có biểu hiện không ngăn được tình trạng tia X lọt ra bên ngoài, ông Nguyễn Hữu Quang giải thích, cách đây 2 tháng lãnh đạo bệnh viện đã nhận được phản ánh của cán bộ tại khoa chẩn đoán hình ảnh. Tiếp nhận thông tin, bệnh viện đã cho tiến hành sửa chữa ngay, nhưng do việc sửa cánh cửa của phòng chụp đòi hỏi kỹ thuật cao, giá thành đắt nên việc làm thủ tục báo giá, thẩm định kéo dài nên chưa kịp sửa. Để khắc phục tạm việc lọt tia X ra ngoài (nếu có), lãnh đạo BVĐK tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo khắc phục tạm thời, bằng cách lắp thêm hệ thống cửa lùa bên trong bằng sắt.

 An toàn bức xạ trong y tế luôn được các cơ sở y tế coi trọng. Ảnh: Thu Nguyệt
Trước thông tin tại phòng mổ của BVĐK Bình Thuận hiện có đặt một máy siêu âm C.ARM, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không hợp lý. Chức năng của máy này giúp cho kỹ thuật viên đọc được đúng và chính xác điểm gãy xương của bệnh nhân và xử lý chính xác các đốt gãy mà không cần phải đưa bệnh nhân ra khỏi phòng mổ đi siêu âm. Ông Nguyễn Hữu Quang khẳng định việc lắp đặt máy C - ARM model SXT - 1000A/92 sản xuất năm 2012, đạt tiêu chuẩn ISO và CE. Đồng thời, ông Quang cũng viện dẫn văn bản số 0515/2012/QLCL/XNKMN của Viện Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế do Phó Viện trưởng Nguyễn Trọng Quỳnh ký, tại thời điểm lấy mẫu kiểm tra máy ngày 23/7/2012, ở BVĐK tỉnh Bình Thuận, căn cứ theo TCVN 6595:2000, lô hàng đạt yêu cầu chất lượng nhập khẩu.
 
Trả lời câu hỏi của PV báo SK&ĐS về việc đăng ký cấp phép hoạt động cho máy siêu âm mới đưa vào hoạt động này, ông Nguyễn Hữu Quang cho biết, do việc nhận thủ tục và bàn giao máy kéo dài. Kèm theo đó là việc hiệu chỉnh, đo đạc các thông số của đơn vị nhập khẩu vẫn đang được tiến hành, chưa chính thức bàn giao cho bệnh viện, nên bệnh viện chưa đăng ký hoạt động qua Sở KH - CN Bình Thuận. Theo ông Quang, hiện nay dù máy mới chỉ đang ở dạng hiệu chỉnh và đo đạc, lãnh đạo bệnh viện vẫn trang bị đầy đủ áo chì dùng cho bệnh nhân và thầy thuốc. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã tính đến phương án lót chì cho phòng mổ, nhưng do máy siêu âm này là máy di động di chuyển từ phòng mổ này sang phòng khác, vì vậy có ý kiến cho rằng dễ lãng phí. “Qua việc này, có lẽ để bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế và bệnh nhân, có lẽ chúng tôi cũng phải tính toán lót chì cho một số phòng mổ”, ông Quang nói.

Trao đổi qua điện thoại với PV báo SK&ĐS, BS. Nguyễn Văn Nhơn, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, lãnh đạo Sở Y tế đã trao đổi nhanh với lãnh đạo BVĐK tỉnh Bình Thuận, kiểm tra, rà soát lại các quy trình sử dụng máy có tia bức xạ có đúng quy trình? Khẩn trương gửi báo cáo về Sở Y tế và UBND tỉnh Bình Thuận. Theo ông Nhân, thời gian qua, Sở Y tế Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung, yêu cầu để đảm bảo an toàn bức xạ, như: thiết bị bức xạ phải được trang bị các phương tiện để kiểm soát các thông số vận hành, thiết bị chiếu xạ dùng nguồn phóng xạ phải tự động trở về vị trí an toàn khi có sự cố...Cùng với đó, Sở Y tế cũng thường xuyên phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện thanh, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các cơ sở hành nghề bức xạ của các đơn vị y tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong công tác thẩm định, cấp phép đủ tiêu chuẩn an toàn bức xạ cho các đơn vị y tế.

An toàn bức xạ trong y tế luôn được quan tâm

Hiện nay, nguồn bức xạ đã được sử dụng hầu hết trong các lĩnh vực: nghiên cứu, công nghiệp, y học, bảo vệ môi trường và một số lĩnh vực khoa học... trong đó phổ biến và quan trọng nhất là ở 2 lĩnh vực y tế và công nghiệp, nhờ đó đã góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn bức xạ bao gồm các chất phóng xạ và các thiết bị bức xạ. Bức xạ là sự phát năng lượng vào môi trường dưới dạng tia (tia bức xạ). Bức xạ iôn hóa là bức xạ gây ra sự iôn hóa trong vật chất mà nó đi qua, gồm: bức xạ dạng hạt như anpha, bêta, nơtrôn... và bức xạ dạng sóng điện từ như tia gamma, tia X.

Đối với lĩnh vực y tế, hiện đa số sử dụng các nguồn bức xạ để phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh bằng các máy phát tia X để chiếu, chụp ảnh Xquang chẩn đoán bệnh. Việc sử dụng máy Xquang giúp bác sĩ thực hiện thuận tiện, nhanh chóng và chính xác trong chẩn đoán viêm phổi, viêm khớp, gãy xương, các bệnh lý của tim, phổi, dạ dày, đầu, ngực, bụng, mạch máu... dễ phát hiện tình trạng bên trong cơ thể người bệnh, nhất là phim Xquang còn giúp thấy được các dấu hiệu sớm của bệnh để tiến hành điều trị trước khi bệnh nặng, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân. Khi sử dụng tia X điều trị bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện được việc phẫu thuật ở những vùng khó nhất, giảm tỷ lệ rủi ro cho bệnh nhân. Ví dụ: khi sử dụng tia X để mổ những khối u nằm ở những vùng mà việc phẫu thuật không đạt tới được do chảy máu, do vị trí phẫu thuật hoặc do tổng trạng bệnh nhân (mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch...).

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, nguồn bức xạ cũng gây tác hại rất nguy hiểm đối với nhân viên y tế, người bệnh và môi trường... nếu không được thao tác đúng cách, đúng quy chuẩn, bảo đảm an toàn bức xạ do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đề ra cũng như đội ngũ nhân viên sử dụng máy có bức xạ mà không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn bức xạ thì rất nguy hiểm đối với người bệnh.   
 
Việc đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế là hết sức cần thiết. Điều này đã được thể hiện trong Luật Năng lượng nguyên tử do Quốc hội khóa XII thông qua vào năm 2008 tại Kỳ họp thứ 3 và Thông tư số 08/2010/TT-BKHCN của Bộ KH-CN về việc hướng dẫn khai báo, cấp phép tiến hành công việc bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ.
 
Theo đó, các cơ sở sử dụng thiết bị Xquang phải hoàn thành các thủ tục này với đơn vị quản lý ở địa phương là Sở KH-CN. Hồ sơ để đề nghị cấp phép sử dụng thiết bị Xquang chẩn đoán gồm: đơn đề nghị, bản khai báo về thiết bị, các tài liệu kỹ thuật, hồ sơ đánh giá chất lượng, phiếu khai báo người phụ trách, hồ sơ theo dõi liều bức xạ, quy trình làm việc với thiết bị, bản đánh giá an toàn cùng các bản khai báo cụ thể khác, đồng thời những điều kiện bắt buộc để được cấp phép là các cơ sở phải đảm bảo về nhân lực, phòng ốc, trang bị bảo vệ cá nhân, chương trình đảm bảo an toàn bức xạ và thiết bị phải qua kiểm định. Các yêu cầu trên, nhân viên vận hành thiết bị Xquang không chỉ vững về kỹ thuật mà còn vững về kiến thức an toàn bức xạ.

(Nguồn: Tài liệu tập huấn an toàn bức xạ trong công nghiệp và y tế)

        

Trọng Minh


Ý kiến của bạn