Thực hư cây nở ngày đất trị bệnh Gut, đái tháo đường

16-12-2014 09:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần đây, thị trường TP.Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều xe bán một loài cỏ dại có tên “nở ngày đất” với lời quảng cáo là chữa được bệnh Gut, đái tháo đường…

Gần đây, thị trường TP.Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều xe bán một loài cỏ dại có tên “nở ngày đất” với lời quảng cáo là chữa được bệnh Gut, đái tháo đường… Trên các trang mạng, loại cây này cũng được rao bán tràn lan với giá 100.000 đồng/kg, 200.000 đồng/kg cây khô. Thực sự công dụng chữa bệnh của loại cây này có đúng như đồn thổi không?

Mỗi ngày chị Yến (huyện Nhà Bè) bán được 20 - 30kg cây nở ngày đất tươi với giá 100.000 đồng/kg, 200.000 đồng/kg cây khô, người mua nhiều sẽ được bớt một chút. Khi được hỏi về công dụng chữa bệnh của cây, chị cho biết nở ngày đất mua về rửa sạch, nấu uống như nấu chè xanh là sẽ chữa được bệnh Gut, đái tháo đường.

Chưa có nghiên cứu về công dụng trong điều trị Gut và đái tháo đường của cây nở ngày đất.

Trên các trang mạng, các quảng cáo đều khẳng định nở ngày đất có tác dụng rất tốt trong điệu trị bệnh Gut và đái tháo đường, tuy nhiên thời gian cam kết hết bệnh thì khác nhau. Nơi thì khẳng định chỉ cần 7 ngày, có nơi cần từ 10 - 30 ngày và cũng có nơi khuyên bệnh nhân nên điều trị lâu dài.

Theo Đông y, cây nở ngày đất thuộc họ rau dền, bộ cẩm chướng là loài cây mọc hoang, thân thảo, có phiến lá dày mọc đối xứng nhau, nhiều lông, cuống lá nhỏ, một cành thường cho ra 5 - 7 lá. Hoa màu trắng, giống hoa cỏ lau nhưng nhỏ, cánh hoa cứng và thon, nhụy có màu nâu, cây ra hoa quanh năm, và cho nhiều quả. Cây được phân bố nhiều trên thế giới, điển hình khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở nhiều khu vực khô, đồi núi phổ biến là phía Tây Nam và miền Trung.

Theo một số sách dược liệu trong và ngoài nước thì cây nở ngày đất có tác dụng trị ho, hen suyễn, sốt ở trẻ em, huyết trắng ở phụ nữ, chống vi khuẩn, thiếu máu, bị mệt mỏi, hạ sốt, kháng viêm, hạn chế phát triển của một số loại vi khuẩn, lợi tiểu, chống ôxy hóa…

Bác sĩ Lê Hoài Nam (Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên) cho biết, loại cây này chưa được các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền sử dụng phổ biến mà tất cả chỉ là sử dụng dựa trên kinh nghiệm dân gian, chưa được nghiên cứu về độc tính, tác dụng dược lý lâm sàng cũng như chỉ định điều trị riêng đối với 2 loại bệnh đái tháo đường và Gut. Vì vậy, người bệnh không nên tùy tiện sử dụng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu không có sự theo dõi, chỉ định của thầy thuốc.

Bác sĩ Nam cũng khuyến cáo, bệnh đái tháo đường và Gut thuộc loại rối loạn chuyển hóa chất đường và đạm nên nguyên tắc điều trị là tuân thủ chế độ ăn khoa học, tập luyện hợp lý và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không nên dựa vào tin đồn, lời mách bảo của những người không có chuyên môn mà tùy tiện sử dụng, đặc biệt liều lượng, sự tương tác với các thuốc khác không rõ… vì tai biến có thể xảy ra nếu không có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

Trước đó, mật nhân, xáo tam phân, đinh lăng, hoàn ngọc, lược vàng hay xa hơn là lô hội (nha đam), quả nhàu… cũng gây “sốt” trên thị trường như một loại thần dược nhưng sớm bình lặng trở lại vì công dụng thực sự không như những lời đồn thổi.

Minh Quang

 

 


Ý kiến của bạn