Cũng ủng hộ chủ trương xã hội hóa, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, vấn đề là làm thế nào thực hiện chính sách cho đúng, kiểm tra ngặt nghèo, loại đi những phần tiêu cực. Có nơi lạm dụng, có nơi có lợi ích riêng nhưng nếu nơi đó người đứng đầu quản lý, giám sát chặt thì khó có chuyện này, chuyện kia.
“Người không có bệnh thì cứ nghĩ xã hội hóa là lạm dụng, chứ đại bộ phận bệnh nhân khi vào viện đều yêu cầu bác sĩ phải làm thế này, thế kia. Như chụp cộng hưởng từ nhiều khi chúng tôi phải giải thích với bệnh nhân vì sao không cần chụp. Người thầy thuốc là người quyết định có cần làm xét nghiệm gì không dựa trên bản lĩnh, kinh nghiệm của mình", ông Quyết nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì muốn đánh giá việc lạm dụng các máy xã hội hóa thì phải dựa trên bằng chứng. Dư luận xã hội nói mạnh việc lạm dụng xã hội hóa, một số cơ sở y tế chùn lại không làm thì bệnh nhân lại là người chịu thiệt. Vấn đề là chỉ định làm xét nghiệm như thế nào là phù hợp, đúng quy chuẩn.
Vì thế, ông đề nghị Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn xét nghiệm tránh trùng lặp, cấp bệnh viện nào thì được sử dụng loại trang thiết bị y tế nào, hạn chế lạm dụng. Bên cạnh đó, các bệnh viện có thể học cách quản lý quỹ của một số trường đại học có hội đồng quản lý gồm nhiều bên, mọi thứ đều phải minh bạch. "Bệnh viện làm tốt nhưng người ngoài nhìn vào vẫn nghi ngờ vì hội đồng đó vẫn chỉ là nội bộ. Nếu có đại diện của Vụ tài chính Kế hoạch y tế, Mặt trận Tổ quốc... thì sẽ khác", ông Tiên lý giải.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, mô hình này chỉ dành cho các bệnh viện tự chủ hoàn toàn, có hội đồng quản lý, quyền của giám đốc rất cao còn các bệnh viện khác thì nên cân nhắc mô hình này. Bản thân các bệnh viện phải tự chịu trách nhiệm.
Lý giải việc vì sao có tình trạng máy nhà nước đầu tư thì hỏng đắp chiếu, máy xã hội hóa hoạt động hết công suất; các chuyên gia đồng tình cho rằng vì thời gian xin cấp kinh phí tu sửa lâu. Chẳng hạn, máy chụp cộng hưởng từ, CT bị cháy đèn thì thủ tục trình các nơi xin ngân sách có khi mất hàng tháng, thậm chí hàng năm nếu bệnh viện không dự trù ngân sách tốt.
"Vấn đề xã hội hóa cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực, cần nhìn một cách toàn diện. Nền kỹ thuật nước ta tiến rất nhanh, cái gì cũng vậy, chạy nhanh thì hàng ngũ xộc xệch. Điều quan trọng là nhìn lại để chấn chỉnh", ông Tiên nhận định.
Phát biểu tại buổi tập huấn mới đây về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, xã hội hóa y tế là chủ trương rất lớn, thường dưới 2 hình thức chủ yếu là liên doanh liên kết trang thiết bị máy móc hoặc đặt máy. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chủ trương này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý các cơ sở có quyền mở khám theo yêu cầu nhưng không được phân biệt quá với người khám bảo hiểm y tế. "Dứt khoát phải chấm dứt chuyện một bên thì thái độ rất niềm nở còn bên kia thì cáu gắt. Chúng ta đang rất nhầm lẫn, tất cả bệnh nhân là thượng đế, chúng ta phải phục vụ", Bộ trưởng Tiến nói.
Nguồn: VnExpress