Thực hiện tự chủ tài chính: Phát huy tính năng động của các bệnh viện

29-11-2019 07:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc thực hiện giao quyền tự chủ và chính sách xã hội hóa ngành y đã giúp cho các bệnh viện phát triển, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần giúp bệnh nhân thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao, không phải vất vả ra nước ngoài chữa bệnh.

Là một trong những đơn vị thực hiện tự chủ tài chính, GS.TS. Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động của bệnh viện, khuyến khích và tạo điều kiện trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện.

Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện K cũng thẳng thắn nêu rõ, thực hiện tự chủ không có nghĩa là chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu, điều quan trọng nhất là tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến với bệnh viện; xem người bệnh là trung tâm. Do vậy, ngoài công tác chuyên môn, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ tiến đến sự hài lòng của người bệnh, môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, an ninh đều hết sức quan trọng. Chính vì thế, bệnh viện luôn chú trọng việc đào tạo, đào tạo liên tục và đào tạo lại đội ngũ y, bác sĩ, người lao động về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp để nâng cao chất lượng phục vụ, sánh ngang với các bệnh viện trong khu vực và quốc tế, làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh.

Bệnh viện Nhi TW cũng đã thực hiện tự chủ tài chính nhiều năm qua. Theo ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, cơ chế tự chủ tài chính giúp bệnh viện chủ động nguồn tài chính, đáp ứng đầy đủ và kịp thời các hoạt động chuyên môn, phát triển chuyên môn kỹ thuật; triển khai dịch vụ kỹ thuật mới chuyên sâu.

Thực hiện tự chủ tài chínhBệnh viện Bạch Mai đã và đang đưa nhiều thiết bị vào phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Bệnh viện cũng đã dành nguồn kinh phí để nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cũng như cải tiến kỹ thuật để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh... Từ tự chủ tài chính, bệnh viện đã dành một nguồn kinh phí đáng kể để đào tạo cán bộ tại chỗ, đào tạo cán bộ, viên chức của mình. “Với việc tăng sự hài lòng của người bệnh qua từng năm, bệnh viện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong nâng cao chất lượng bệnh viện, hiện đang đạt 4,25 điểm trong Bộ 83 Tiêu chí chấm điểm của Bộ Y tế. Là bệnh viện đầu ngành về nhi khoa, Bệnh viện Nhi TW luôn trong tình trạng quá tải, nhưng hiện bệnh viện đã đạt đến chuẩn 4 sao. Cơ chế tự chủ tài chính đã giúp đời sống cán bộ, nhân viên y tế, người lao động được nâng lên”, ông Hải thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chính sách tự chủ bệnh viện, ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc thực hiện giao quyền tự chủ và chính sách xã hội hóa ngành y đã giúp cho bệnh viện phát triển, mở rộng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực góp phần giúp bệnh nhân được khám chữa bệnh với chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc tự chủ tài chính giúp bệnh viện làm chủ được về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các kỹ thuật mới hiện đại.

Nhờ thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP, hoạt động liên doanh, liên kết xã hội hóa trang thiết bị y tế đã lựa chọn được liên doanh liên kết hiện đại, tiên tiến, mới 100% có giá trị lớn mà ngân sách nhà nước chưa đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trình độ chuyên môn của bệnh viện, đồng thời có thể giúp cho bệnh nhân phát hiện được các bệnh hiểm nghèo mà không phải tốn kém khi ra nước ngoài khám chữa bệnh. Việc thực hiện tự chủ cũng góp phần làm đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh theo yêu cầu như khám yêu cầu theo chuyên khoa, khám và điều trị trong ngày, khám tại khoa khám bệnh theo yêu cầu, giường bệnh theo yêu cầu...

Bộ Y tế cho biết, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013, mới có 28 đơn vị chiếm 1,3% tổng số đơn vị). Đối với 1.364 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên thì mức tự chủ cũng rất cao, nhiều đơn vị đã tự chủ được từ 80-90% nguồn tài chính.

Số thống kê chưa đầy đủ của 55 tỉnh/thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.738,7 tỷ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.208 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP. Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.320 tỷ đồng, TP. Hà Nội giảm 520 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 340 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Hà Tĩnh 200 tỷ đồng, Bình Định 300 tỷ đồng...

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, tính đến năm 2019 có 24 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 34,8% tổng số đơn vị sự nghiệp (năm 2013, mới có 6 đơn vị chiếm 10% tổng số đơn vị). Đến năm 2019, chuyển thêm 4 đơn vị từ nhóm tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên, nâng tổng số đơn vị tự chủ thành 28 đơn vị. Số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 30.826 người (của 26 bệnh viện), tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn