Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân - Giảm thiểu bệnh tay-chân-miệng

11-05-2014 00:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 18.659 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước,

Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 18.659 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó 2 trường hợp tử vong ở Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, do nhiễm chủng virut cực độc EV71. Vậy, đâu là nguyên nhân gây ra bệnh tay-chân-miệng, biểu hiện của bệnh như thế nào và cần phải làm gì để phòng, tránh bệnh. Những vấn đề này đã được PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế giải đáp với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống.

PGS.TS. Trần Đắc Phu.

PV: Đâu là nguyên nhân của bệnh tay-chân-miệng và những trường hợp nào có nguy cơ mắc bệnh này, thưa ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Bệnh tay-chân-miệng do các loại virut thuộc nhóm đường ruột gây ra, gồm có Coxsackie, Echo và các virut đường ruột khác, trong đó hay gặp là virut đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16, riêng virut EV71 có thể gây các biến chứng nặng và tử vong. Virut gây bệnh tay-chân-miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay-chân-miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, hay gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn. Trẻ em có nhiều khả năng bị lây nhiễm và bị bệnh bởi chúng có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Hầu hết người lớn được miễn dịch, nhưng vẫn có trường hợp mắc bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn.

PV: Những biểu hiện của bệnh tay-chân-miệng là gì, thưa ông?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Bệnh tay-chân-miệng thường bắt đầu với các biểu hiện như: sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng; 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu răng (lợi) và niêm mạc má; phát ban trên da, không ngứa trong 1 - 2 ngày với những đốm màu đỏ khổng nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục...

Người bị bệnh tay-chân-miệng có thể không biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

PV: Xin ông cho biết những trẻ đã mắc bệnh tay-chân-miệng rồi liệu có thể tái nhiễm bệnh nữa không?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Khác với sởi, thủy đậu, nếu ai đã từng mắc các bệnh này thì gần như được miễn dịch suốt đời. Riêng với bệnh tay-chân-miệng có thể mắc nhiều lần do có nhiều týp virut khác nhau. Người bệnh chỉ miễn dịch đối với một loại virut cụ thể, những lần mắc bệnh khác có thể xảy ra do lây nhiễm một loại virut týp khác.

PV: Vậy, thưa ông, người dân cần làm gì để phòng bệnh tay-chân-miệng?

PGS.TS. Trần Đắc Phu: Bệnh tay-chân-miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ sẽ xảy ra dịch trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

Để phòng bệnh có hiệu quả, mọi người cần rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ. Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng...) với trẻ em bị bệnh. Khi trẻ bị bệnh, không nên cho trẻ đi học hoặc đến nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn. Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo. Đồng thời, luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)


Ý kiến của bạn