Thời gian gần đây, tại các cơ sở y tế lớn trong cả nước như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng cho người bệnh. Những thành công này đã mở ra nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đồng thời khơi dậy lòng nhân ái qua những hành động hiến tạng.
Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép tim thứ 10
Sau thành công của ca ghép tim đầu tiên tháng 5/2011, sáng ngày 21/7/2015, PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết: Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tim thứ 10.
BN Đ. được chăm sóc tại Phòng Hồi sức tim mạch, BV Việt Đức. Ảnh: ML
Bệnh nhân (BN) N.H.Đ. 26 tuổi (Lạng Sơn) phát hiện bệnh cơ tim giãn cách đây 2 năm. Mẹ của Đ. cho biết, trước đó Đ. vẫn khỏe mạnh, làm việc bình thường. Năm 2013, Đ. tự nhiên thấy người mệt, yếu, liên tục khó thở. Đi khám phát hiện cơ tim giãn, điều trị bằng thuốc nhưng tình trạng không cải thiện. BN được chuyển đến BV Việt Đức trong tình trạng suy tim giai đoạn cuối, suy gan, suy thận nặng. Do tình trạng suy tim cấp nặng nề bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản thở máy, suy gan nặng với biểu hiện da và niêm mạc rất vàng, xét nghiệm men gan tăng cao trong máu. BN đã được các bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực hồi sức với những kỹ thuật tiên tiến và chuyên sâu, được lọc thay thế huyết tương hai lần để hỗ trợ cho gan, giành giật lại sự sống. Tuy nhiên, do tình trạng tim rất nặng nguy cơ tử vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào...
Cánh cửa sự sống hé mở cho BN Đ. khi ngày 18/7 PGS.Ước cùng êkíp bác sĩ tại Khoa PTTM đã tìm được người hiến tạng phù hợp với bệnh nhân. Mọi việc diễn ra theo đúng quy trình đã dần thành thường quy tại BV Việt Đức. Ca ghép diễn ra trong 4 giờ đồng hồ. Sau 12 giờ thở máy, BN được rút ống nội khí quản trong niềm hân hoan và hạnh phúc của mẹ, vợ và các y bác sĩ. Hiện BN có thể ăn uống, vận động tại giường và đang được điều trị bằng liệu pháp kháng sinh và miễn dịch tại Phòng Hồi sức tim mạch Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước - người đã thực hiện 10 ca ghép tim tại BV Việt Đức chia sẻ: Việc tiến hành ghép tạng tại BV Việt Đức đã theo một quy trình chuẩn: từ khâu chuẩn bị, sàng lọc, lựa chọn BN đến quy trình phẫu thuật. Nhưng mỗi ca ghép đều có những tình huống riêng. Ví như ca ghép tim lần này khó hơn các ca ghép trước vì quả tim người nhận giãn quá to, đẩy các cuống mạch ra xa. Quả tim người cho lại bình thường, do đó phải xử lý, tạo hình các cuống mạch dài ra để đặt quả tim nhận vào cho khớp.
Tuy nhiên, điều PGS. Ước và các bác sĩ lo ngại nhất là nhu cầu ghép tim ở người bệnh rất lớn mà nguồn tạng hiến thì khan hiếm. Sau 14 tháng từ ca ghép tim thứ 9 đến nay, BV mới có nguồn tạng để thực hiện ca ghép thứ 10 trong khi khoa đang còn 2 bệnh nhân nặng chờ được ghép. Đó cũng là trăn trở của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ ra mắt Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hội Ghép tạng Việt Nam: “Nhiều bệnh nhân đã chết trong thời gian chờ ghép. Nguồn mô tạng từ hàng chục nghìn ca chết não, chết ngưng tim do tai nạn giao thông và trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao”.
Cũng theo PGS. Ước, cuộc sống của BN sau ghép tim ngày càng được cải thiện do BV đã kiểm soát được các vấn đề rối loạn toàn thân khác đi kèm sau ghép cũng như tăng cường giám sát đời sống, sinh hoạt của người bệnh. Sắp tới, BV Việt Đức cũng sẽ thành lập các câu lạc bộ ghép tim, ghép tạng để những người bệnh - người đã và sẽ được ghép cùng gia đình họ chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm cùng giúp nhau có một cuộc sống tốt hơn.
Bệnh nhân nhận thận từ người hiến tạng ngừng tim. Ảnh: N. Huyền
Một người hiến tạng cứu sống 6 bệnh nhân
Chiều ngày 21/7, BV Chợ Rẫy đã tổ chức họp báo thông tin về 2 trường hợp hiến tạng cứu sống 8 người bệnh. Theo TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, ngày 18/6, một trường hợp hiến tạng nhân đạo khi ngừng tim (ngừng tuần hoàn) đã tình nguyện hiến hai quả thận để cứu sống 2 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo. Hiện tại, 2 bệnh nhân này đã hồi phục chức năng thận tốt. Tiếp đó, ngày 20/7, một trường hợp hiến đa tạng và mô đầu tiên được thực hiện tại BV Chợ Rẫy, được điều phối ghép đa trung tâm giữa BV Chợ Rẫy và BV Trung ương Huế. BS. Ngọc Thảo cho biết, mô và tạng được hiến tặng là giác mạc, khối tim - phổi, gan và 2 thận. Thận và gan của người hiến đã được ghép tại BV Chợ Rẫy cho 1 trường hợp ung thư gan do viêm gan siêu vi C (do êkíp mổ của Đại học ASAN hỗ trợ nhận và ghép gan) và 2 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối đang trong danh sách chờ ghép thận được quản lý tại BV Chợ Rẫy (do êkíp phẫu thuật của BV Chợ Rẫy thực hiện). Khối tim phổi (do êkíp của BV Trung ương Huế thực hiện) được chuyển đến BV Trung ương Huế để ghép cho bệnh nhân suy tim - phổi đang điều trị tại đây. Giác mạc của người hiến được ngân hàng mắt của đơn vị quản lý chuyên phục vụ cho bệnh nhân nghèo nhận để ghép được cho 2 bệnh nhân.
Cũng theo BS. Thảo, do đây là trường hợp người hiến tạng có nhóm máu AB, là nhóm máu chỉ có thể hiến tạng cho người có cùng nhóm máu AB, nên số người nhận được tìm rất khó khăn. Và nếu thuận lợi với sự hiến tạng của người bệnh này có thể sẽ cứu sống được 6 bệnh nhân. Để việc hiến và ghép tạng này được thành công là nhờ có sự phối hợp của rất nhiều chuyên ngành như y tế, giao thông vận tải và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Riêng ngành y tế, đã có sự tham gia của 30 y, bác sĩ, kỹ thuật viên... của gần như tất cả các chuyên khoa trong BV Chợ Rẫy.
Mai Linh - Nguyễn Huyền