Hà Nội

Thực hiện thành công ca ghép tủy đầu tiên

19-01-2014 09:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau hơn 2 năm chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An vừa thực hiện thành công ca ghép tủy đầu tiên

Sau hơn 2 năm chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An vừa thực hiện thành công ca ghép tủy đầu tiên cho bệnh nhân Hoàng Thị Hằng, 22 tuổi, ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Thành công này là một bước tiến vượt bậc đối với ngành y tế tỉnh Nghệ An, mở ra nhiều cơ hội, giúp bệnh nhân địa bàn Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ tiếp cận với kỹ thuật mới trong điều trị ung thư.

Cách đây 4 tháng, bệnh nhân Hoàng Thị Hằng, 22 tuổi ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được chẩn đoán u limpho ác tính. Sau đó, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An theo các phương pháp truyền thống, trong đó có truyền hóa chất.

Thầy thuốc BV Ung bướu Nghệ An thăm hỏi bệnh nhân Hoàng Thị Hằng trước khi xuất viện.

Cũng tại thời điểm này, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để triển khai kỹ thuật ghép tủy. Và bệnh nhân Hoàng Thị Hằng là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật ghép tủy xương. Sau hơn 2 tuần, với sự hỗ trợ về chuyên môn của Bệnh viện Quân đội 108, Trung tâm Huyết học Truyền máu TP.HCM, ca ghép tủy đầu tiên đã thành công. Hiện tại, bệnh nhân đang dần hồi phục sức khỏe. PGS.TS. Đại tá Nguyễn Trung Chính - Cố vấn cao cấp Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết: Ghép tủy là phương pháp tiên tiến, hiện đại và hiệu quả nhất trong điều trị ung thư hiện nay trên thế giới và Việt Nam. Đặc biệt đối với nhóm ung thư máu như: bạch cầu cấp, mạn, suy tủy, u limpho ác tính. Thời gian ghép một ca bệnh kéo dài khoảng 4 tiếng, người bệnh chỉ có cảm giác tương tự như đang truyền máu nên có thể vừa ghép vừa xem tivi bình thường. Thực hiện cuộc ghép, người bệnh không cần sử dụng thuốc chống thải ghép, tỷ lệ lui bệnh sau 5 năm sẽ đạt mức 80 - 90%, trong khi các phương pháp khác như: phẫu thuật, hóa trị liệu hay xạ trị mức độ thành công chỉ đạt 50 - 60%.

Cho đến nay, cả nước mới chỉ có 8 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật này, chủ yếu là tuyến Trung ương. Trong khi đó, lượng bệnh nhân mắc các bệnh ung thư máu không ngừng gia tăng. Theo tổng hợp của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu có nhu cầu được ghép tế bào gốc để điều trị ung thư nhằm kéo dài sự sống. Số bệnh nhân này đều phải chuyển tuyến trên. Đây cũng là lý do Bệnh viện Ung bướu Nghệ An sớm triển khai kỹ thuật này. TS. Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết thêm: Nhu cầu bệnh nhân được ghép tủy rất lớn, trong khi chuyển tuyến rất vất vả cho người bệnh nên chúng tôi khẩn trương tiến hành triển khai kỹ thuật này. Ca ghép tủy đầu tiên thành công một mặt khẳng định sự nỗ lực của bệnh viện, mặt khác tạo sự tự tin để chúng tôi tiếp tục mở rộng kỹ thuật này, tạo điều kiện cho bệnh nhân.

Hiện tại, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đang có 10 bệnh nhân chờ được ghép tủy. Kỹ thuật này cũng được BHYT chi trả từ 50 - 70% chi phí. Do đó, một ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân không có bảo hiểm tốn khoảng 300 - 350 triệu đồng, bệnh nhân có bảo hiểm chỉ trả khoảng 110 - 120 triệu đồng. Cùng với 8 bệnh viện khác trên cả nước đang ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thành công kỹ thuật ghép tủy. Thành công của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho bệnh nhân ung thư tiếp cận kỹ thuật mới, đẩy lùi bệnh tật, kéo dài sự sống, góp phần giảm bớt khó khăn cho người bệnh và hạn chế tình trạng quá tải cho tuyến Trung ương.

Bài, ảnh: Từ Thành - Hoài Thanh

 


Ý kiến của bạn