Ngày 11/6/1948, để động viên toàn dân tham gia công cuộc “Kháng chiến kiến quốc” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc nhằm động viên nhân dân ta “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Người, đồng thời nhận thức rõ được vị trí, vai trò của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ngành y tế đã không ngừng duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.
Trong những năm qua, ngành y tế không chỉ thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị mà còn thực hiện tốt công tác y tế dự phòng... Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngành y tế đã tích cực chủ động các biện pháp phòng bệnh, kiện toàn hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến cơ sở nhằm tổ chức giám sát, phát hiện dịch sớm... qua đó đã khống chế thành công dịch bệnh, đại dịch nguy hiểm như dịch SARS (2003), dịch cúm A/H1N1 (2009), đã thanh toán thành công bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, nâng cao tuổi thọ trung bình cho người Việt Nam... Một trong những hạt nhân quan trọng của công tác dự phòng là công tác vệ sinh phòng bệnh và công tác này cũng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì thế, Bác Hồ đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào Vệ sinh yêu nước. Trên cơ sở quan điểm của Bác, Đảng và Nhà nước, ngành y tế đã tổ chức Lễ phát động phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhiều việc làm thiết thực đã được ngành y tế phát động để thực hiện hiệu quả phong trào Vệ sinh yêu nước như phát động Cuộc thi sáng tác apphic về Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân; Đảm bảo ATVSTP, Vệ sinh trong lao động, xử lý chất thải y tế. Ngành y tế các cấp đã hướng dẫn và vận động người dân khơi thông cống rãnh, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện thói quen rửa tay bằng xà phòng... Việc triển khai phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hoạt động vệ sinh đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người dân, mỗi gia đình đối với sự phát triển bền vững của đất nước...
Phong trào hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - Trái tim hồng” trong cán bộ, viên chức ngành y tế cũng được lan tỏa rộng rãi, góp phần phục vụ bệnh nhân cần máu điều trị. Cùng với đó, ngành y tế đang nỗ lực từng bước thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Bởi đây là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng và là nguồn tài chính vững bền giúp cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách về BHYT được thay đổi phù hợp với thực tiễn theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, đảm bảo công bằng khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân...