Thực hiện quyết liệt và lâu dài bảo vệ sức khỏe cộng đồng

16-04-2009 12:05 | Thời sự
google news

Từ ngày 15/4 - 15/5, thành phố triển khai thực hiện Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2009 với chủ đề “Cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

 Thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn bày bán tràn lan.
* Thành phố Hồ Chí Minh: Từ ngày 15/4 - 15/5, thành phố triển khai thực hiện Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2009 với chủ đề “Cộng đồng trách nhiệm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng”. Trong năm 2009, thành phố sẽ hoàn thành một số chuỗi rau củ quả, chuỗi thịt gia cầm, chuỗi trứng gia cầm và chuỗi thịt gia súc an toàn và có các cơ chế hỗ trợ phát triển các chuỗi thực phẩm; đảm bảo 100% bếp ăn tập thể ở trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp được cấp giấp chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. UBND các quận, huyện chọn ít nhất 2 khu thức ăn đường phố tập trung hiện có trên địa bàn để cải thiện điều kiện ATVSTP đồng thời vận động các chủ hàng rong có sử dụng nước rửa thực phẩm, chén đĩa vào các khu buôn bán tập trung...

* Hải Phòng: Ngày 14/4, tại Trung tâm Metro Hồng Bàng, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP thành phố Hải Phòng tổ chức phát động “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP” năm 2009. Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố yêu cầu các ban, ngành thành viên tăng cường tuyên truyền, phổ biến các kiến thức ATVSTP; đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đảm bảo công tác ATVSTP mang tính chiến lược lâu dài, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại lễ phát động, đại diện Trung tâm Metro Hồng Bàng đã ký bản cam kết cung cấp sản phẩm thực phẩm an toàn, vệ sinh cho khách hàng.

* Hà Nam: Ngày 14/4, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Sở Y tế tỉnh Hà Nam phối hợp với UBND huyện Duy Tiên tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP” năm 2009. Trong tháng hành động, ngành y tế Hà Nam tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra công tác ATVSTP tại các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các chợ đầu mối, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ATVSTP. Theo báo cáo của ngành y tế, từ năm 2004 đến năm 2008, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 2.332 ca ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, điều đáng ngại hơn là sự tích tụ độc tố vào cơ thể người do tình trạng ô nhiễm thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng từ việc không kiểm soát được tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, các loại hoá chất dùng trong sản xuất các loại rau quả. Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Nam có khoảng 4.600 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm thì hầu hết đều có quy mô nhỏ và mới chỉ có trên 800 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; 136 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm.

Văn Đức, Hồng Ninh, Mai Phương (TTXVN)


Ý kiến của bạn