Theo đó, tại quyết định do Cục trưởng Vũ Tuấn Cường ký ban hành hôm nay (12/11), Cục Quản lý Dược đã gia hạn cho 361 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài, trong đó có 204 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước; số còn lại là thuốc và nguyên liệu làm thuốc nước ngoài.
Đây là đợt gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc lần thứ 17 của Bộ Y tế thực hiện theo Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội.
Các sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nhập khẩu được gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý như nhóm thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, điều trị viêm phổi, viêm xoang, điều trị bệnh lý tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực... thuốc điều trị thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp và các bệnh khớp mạn tính khác; thuốc điều trị tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, điều trị ung thư, thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường, vitamin, thuốc bôi ngoài...
Liên quan đến công tác cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế, thời gian qua để phục vụ nhu cầu thuốc cho đấu thầu, mua sắm của các cơ sở y tế và nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch của nhân dân, Cục Quản lý Dược đã đẩy mạnh cấp phép, gia hạn, giải quyết khẩn trương các hồ sơ tồn đọng xin cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc.
Cùng với gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, vaccine theo Nghị quyết 80 của Quốc hội. Thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã liên tục thực hiện các đợt cấp mới, gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý Dược đã thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược năm 2016 cho 12.333 thuốc; qua đó duy trì thường xuyên có trên 23.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo đảm công tác mua sắm vaccine; xây dựng Danh mục và cơ chế dự trữ, mua sắm thuốc có nguy cơ thiếu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về công tác quản lý giá thuốc, mặc dù tình hình thị trường quốc tế có nhiều biến động; tuy nhiên, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý giá thuốc quy định tại Luật Dược, Nghị định hướng dẫn Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã giúp thị trường dược phẩm vẫn được duy trì bình ổn, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng đẩy giá lên cao
Đến nay, Bộ Y tế đã giải quyết 33.938 hồ sơ công bố mỹ phẩm, số lượng hồ sơ đang giải quyết là 3.695 hồ sơ. Giải quyết đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng nghiên cứu, kiểm nghiệm cho 28/28 đơn hàng.