Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương: Bảo tồn và phát triển dược liệu dân tộc

24-11-2018 08:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính vì vậy, ngoài những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên và thuốc từ dược liệu, Việt Nam có nhiều cơ hội giúp thúc đẩy phát triển ngành dược liệu trong nước.

Tăng cường phát triển dược liệu dân tộc

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc; trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu (như: quế, hồi, hòe, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả...). Theo kết quả điều tra giai đoạn 2013-2015, hiện có khoảng 70 loài, nhóm loài cây dược liệu có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm (như: diếp cá, cẩu tích, lạc tiên, rau đắng đất...). Đặc biệt, nước ta đang sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: sâm Ngọc linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng...

Nuôi trồng sâm Ngọc linh.

Nuôi trồng sâm Ngọc linh.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Trước kia, một số dược liệu có thể khai thác hàng chục tấn mỗi năm (như: ba kích, đảng sâm, hoàng linh...) thì thực tế hiện nay, nhiều cây thuốc đã được đưa vào Sách Đỏ vì có nguy cơ bị tuyệt chủng. Cây hoàng liên trước đây là đặc trưng của dãy núi Hoàng Liên Sơn, nay chỉ tìm thấy dạng dấu tích. Chính vì vậy, khai thác, bảo tồn và nuôi trồng dược liệu rất quan trọng. Ngoài làm thuốc phục vụ nhu cầu thị trường, việc nuôi trồng dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần so với trồng một số loại cây nông nghiệp (như lúa, ngô, sắn...).

Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn phát triển dược liệu ở Việt Nam, đặc biệt là dược liệu quý hiếm. Từ phát triển dược liệu, có thể tìm ra giá trị gia tăng để nâng cao mức sống của người dân.

Bảo tồn, phát triển nuôi trồng sâm Ngọc linh

Sâm Ngọc linh - sâm Việt Nam là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, được xếp vào 1 trong 4 loại sâm tốt nhất thế giới và có nhiều công dụng quý đối với sức khỏe cộng đồng và có giá trị kinh tế cao. Là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, sâm Ngọc linh chứa đến 52 hợp chất saponin, có hàm lượng vi chất bồi bổ sức khỏe và chữa trị nhiều bệnh hơn các loại sâm khác trên thế giới.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư...

Với những tính chất đặc hữu nổi trội của cây sâm Ngọc linh và giá trị kinh tế cao của dược liệu này dẫn đến việc khai thác, mua bán, sử dụng tràn lan có nguy cơ ngày càng cạn kiệt nguồn gene nên việc bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc linh trở nên cấp bách. Hiện phát triển vùng trồng sâm Ngọc linh mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức; kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được tiêu chuẩn hóa, ít có sự tham gia của các nhà khoa học.

Có thể đánh giá công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, nhất là quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc; các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến sâu về sản phẩm sâm Ngọc linh phục vụ cho y học, thực phẩm chức năng còn hạn chế... do đó, chưa phát huy hết được tính, giá trị gia tăng còn thấp. Công tác phối hợp quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng cũng như giá trị kinh tế sâm Ngọc linh chưa được thực hiện tốt...

Cho đến nay, tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc linh giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn Nam Trà My đến năm 2030 với tổng diện tích trên 15.000ha. Hiện nay, đã hình thành và xây dựng 02 trạm bảo tồn, nuôi trồng, lưu giữ nguồn gene và phát triển sâm núi núi Ngọc linh trên địa bàn huyện với diện tích trên 20ha.

Phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ, số hộ trồng sâm tăng lên đến 1.500 hộ với diện tích trồng là 1.600ha, tại 7/10 xã được quy hoạch; giá cả cây sâm Ngọc linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Đặc biệt, trồng sâm đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.

Tại Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018 “Sâm Ngọc linh - tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp cùng các đối tác phát triển cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện, cùng chung tay, đồng hành, sát cánh vì mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngày 25/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, trong đó yêu cầu đẩy mạnh phát triển ngành dược liệu dân tộc.


Nguyễn Châu
Ý kiến của bạn