Thực hiện kỹ thuật khó nối ngón tay gần đứt lìa cho bệnh nhân

16-01-2025 09:46 | Y tế
google news

SKĐS - Bệnh nhân gặp sự cố khiến ngón tay cái gần đứt lìa, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối liền xương, gân, mạch máu, dây thần kinh... tăng khả năng phục hồi sau phẫu thuật.

Ngày 16/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, vừa phẫu thuật thành công nối liền ngón tay bị đứt của một bệnh nhân gặp tai nạn lao động.

Thực hiện kỹ thuật khó nối ngón tay gần đứt lìa cho bệnh nhân- Ảnh 1.

Ông T. gặp tai nạn lao động gần đứt lìa ngón tay cái.

Trước đó, ông T.X.T. (SN 1969, trú tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) được đưa vào viện trong tình trạng đứt lìa ngón cái bàn tay phải. Được biết, trong lúc sử dụng máy cắt, ông T. không may gặp sự cố dẫn đến vết thương nghiêm trọng.

Qua thăm khám, bác sĩ xác định ông T. bị đứt lìa xương, đứt gân, đứt mạch máu thần kinh vùng gốc ngón tay cái bàn tay phải. Ông T. được chỉ định phẫu thuật khẩn bằng kỹ thuật vi phẫu để tăng khả năng hồi phục. Sau 4 giờ, các bác sĩ phẫu thuật thành công nối ngón tay cho bệnh nhân, tình trạng vết thương có dấu hiệu thích ứng tốt.

Bác sĩ Nguyễn Duy Tùng, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới – trưởng kíp phẫu thuật cho biết, đây là một ca bệnh khó bởi tổn thương phức tạp, các động mạch, tĩnh mạch ngón tay cái đứt rời, dập đoạn. E kíp phải tỉ mỉ trong thời gian dài để kết hợp xương, khâu nối gân- cơ, khâu nối mạch máu (cả động mạch và tĩnh mạch), thần kinh, khâu da. Để thực hiện kỹ thuật vi phẫu nối ngón tay cần trang thiết bị hiện đại, phẫu thuật viên giỏi, có kinh nghiệm.

Thực hiện kỹ thuật khó nối ngón tay gần đứt lìa cho bệnh nhân- Ảnh 2.

Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nối ngón tay cho bệnh nhân.

Trong bàn tay thì ngón cái chiếm tới 50% chức năng. Ngón cái kết hợp với 4 ngón tay còn lại tạo thành gọng kìm để cầm nắm, nhặt đồ vật. Các tổn thương gây mất ngón tay cái sẽ làm giảm chức năng bàn tay, ảnh hưởng trầm trọng đến lao động và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh nên việc tái tạo là điều rất quan trọng.

"Khi chưa triển khai kỹ thuật vi phẫu nối liền chi thì những trường hợp như bệnh nhân T. thường được sơ cứu ban đầu và chuyển lên tuyến trên hoặc phải cắt bỏ phần chi bị đứt và tạo mỏm cụt nếu các mô đứt lìa bị hoại tử. Với tình trạng sau phẫu thuật, ngón tay của bệnh nhân hồng ấm, hoạt động của ngón tay sau nối sẽ hoạt động tốt", bác sĩ Tùng cho biết.

Bác sĩ Tùng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi sử dụng các loại máy móc tránh gây thương tổn. Nếu có vết thương bị đứt rời chi cần sơ cứu và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế đáp ứng chuyên môn để được xử lý. Đối với phần chi bị đứt rời cần được bảo quản bằng cách bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào. Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh và nhanh chóng mang theo cùng bệnh nhân để cấp cứu.

Nối ngón tay bị đứt lìa do cưa máy cắt cho thanh niên 18 tuổiNối ngón tay bị đứt lìa do cưa máy cắt cho thanh niên 18 tuổi

SKĐS - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhân 18 tuổi, trú tại Thanh Chương, Nghệ An bị đứt lìa ngón tay do cưa máy cắt.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn