Việc xây dựng lộ trình nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP đang được dư luận quan tâm và công việc này tại TP. Hồ Chí Minh - một thị trường dược phẩm lớn nhất cả nước đang gặp những thuận lợi, khó khăn gì? Chúng ta cùng gặp gỡ trao đổi với PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan (PGS.TS. PKPL) - Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
PV: Hiện nay việc triển khai đang ở chặng đường nào, thưa PGS?
PGS.TS. PKPL: Tính đến giữa tháng 12/2008, đã có 104 nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên địa bàn thành phố. Về cơ bản chúng tôi gần hoàn thành mục tiêu triển khai GPP cho các nhà thuốc trong bệnh viện: đã có 52 nhà thuốc tại các bệnh viện, phòng khám được cấp giấy chứng nhận GPP trong đó tập trung hầu hết các bệnh viện lớn của trung ương và thành phố, cả bệnh viện công lập và ngoài công lập, ngoài ra những cơ sở còn lại đều đã hoàn thiện quy trình và đang nộp hồ sơ chờ thẩm định. Điều này có ý nghĩa rất lớn vì các nhà thuốc bệnh viện thành phố chiếm 65-70% thị phần dược phẩm, tập trung nhiều thuốc đặc trị, thuốc giá trị lớn. Kiểm soát được hệ thống này, coi như chúng tôi đã thành công được hơn một nửa. Đây mới chỉ bước đầu song các đơn vị kinh doanh đã chứng tỏ họ đã thay đổi phương thức kinh doanh mới, hiện đại và bảo đảm chất lượng. Đối với địa bàn dân cư, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Hội Dược học TP. Hồ Chí Minh, các công ty sản xuất kinh doanh dược, chúng tôi đang tiến hành tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các nhà thuốc tư nhân thực hiện GPP. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xúc tiến thành lập Hội các nhà thuốc GPP để có diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hoạt động và đề xuất các chính sách.
PV: Thưa PGS, trong quá trình triển khai các nhà thuốc ở TP. Hồ Chí Minh thường gặp phải những thuận lợi và khó khăn gì?
PGS.TS. PKPL: Thuận lợi lớn nhất chính là đội ngũ dược sĩ yêu nghề, luôn trăn trở trước thực trạng bất cập của hệ thống phân phối nên đã đồng thuận, quyết tâm làm GPP. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung thị trường dược phẩm của cả nước, có mặt hầu hết các doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh dược trong và ngoài nước. Trong nhiều năm qua, bản thân các doanh nghiệp chân chính - sản xuất hay phân phối các sản phẩm chất lượng đã rất bức xúc trước các tồn tại của hệ thống bán lẻ, cho nên họ nhiệt tình ủng hộ chủ trương GPP bằng cách hỗ trợ Sở Y tế trong việc tập huấn, triển khai, quảng bá, cũng như ủng hộ các nhà thuốc GPP bằng các chính sách bán hàng ưu đãi. Ngoài ra còn phải kể đến tính chất năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, đã nhận thấy xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động nhà thuốc nên đã đầu tư lớn để xây dựng mô hình nhà thuốc chuỗi lần đầu tiên tại Việt Nam, chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. Một số doanh nghiệp cũng lựa chọn việc hỗ trợ các bệnh viện xây dựng nhà thuốc GPP như một phương thức chăm sóc khách hàng và quảng bá thương hiệu.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai GPP, chúng tôi cũng phải đối mặt với những thách thức lớn đó là nguồn nhân lực dược vừa thiếu lại vừa yếu, dù thành phố có đội ngũ dược sĩ đại học (DSĐH) cao nhất nước (3.956 DSĐH, tỷ lệ 4,9/10.000 dân) nhưng tập trung chủ yếu vào việc giới thiệu thuốc, tại các nhà thuốc vẫn phổ biến tình trạng cho thuê bằng. Đa số các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, khoa dược bệnh viện biên chế rất ít nhưng lại phải đảm đương quá nhiều công việc. Một khó khăn nữa là từ việc mua bán không hóa đơn chứng từ, kinh doanh thuốc tùy tiện của một số doanh nghiệp, cá nhân đã tìm đủ mọi lý do để trì hoãn việc triển khai GPP. Ngoài ra nhiều nhà thuốc đã triển khai GPP hiện đang gặp khó khăn vì thói quen của người tiêu dùng Việt Nam chưa chấp nhận việc mua thuốc đặc trị phải có đơn của bác sĩ, hơn nữa tâm lý còn e ngại của người dân, cho rằng thuốc tại nhà thuốc GPP sẽ đắt hơn. Những khó khăn đó không phải một sớm một chiều chúng ta có thể giải quyết được mà đòi hỏi phải có thời gian và sự quyết tâm lớn.
PV: Xin PGS cho biết người dân sẽ được hưởng lợi gì khi các nhà thuốc đạt GPP?
PGS.TS. PKPL: Nhà thuốc GPP giúp người dân được mua thuốc đảm bảo chất lượng (tránh được vấn nạn thuốc giả) với giá cả hợp lý, kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và có sự kiểm soát. Đây cũng chính là mục tiêu của cả ngành dược.
PV: Những bất cập trong việc triển khai nhà thuốc GPP thưa PGS?
PGS.TS. PKPL: Bất cập lớn nhất chính là sự tiến hành chưa đồng bộ giữa các ngành, giữa các địa phương. GPP là một chính sách đúng, làm GPP tức là thực thi Luật Dược. Bây giờ không còn là lúc đặt câu hỏi “Làm hay không?” mà phải là “Làm như thế nào? Làm đến đâu?”. Đáng tiếc là hiện nay vẫn còn phổ biến tình trạng ngồi chờ, hy vọng biết đâu Bộ sẽ gia hạn. Chúng tôi rất cần sự định hướng chính thức từ Bộ Y tế để tránh cách hiểu GPP theo kiểu máy móc, tô vẽ cho thật khó để rồi bàn lùi, hoặc cường điệu hóa những khó khăn của nhà thuốc GPP, nhất là khi còn tồn tại song song hai hệ thống GPP và non - GPP, làm nản chí mọi người. Chúng tôi cũng rất cần Cục Quản lý Dược ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời, tổng kết kinh nghiệm theo đề xuất từ địa phương, ban hành các tài liệu... TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị bỏ quy định bắt buộc người giới thiệu thuốc phải là DSĐH hay bác sĩ, để định hướng sử dụng nhân lực hiệu quả hơn và tránh lãng phí, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt về nguồn nhân lực cho GPP.
PV: Những nhà thuốc không đạt tiêu chuẩn GPP, Sở có những giải pháp gì để tạo điều kiện giúp đỡ họ?
PGS.TS. PKPL: GPP chỉ là những tiêu chuẩn cụ thể rút ra từ Luật Dược. Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, nên việc kinh doanh thuốc cũng phải đáp ứng những điều kiện đặc thù. Những nhà thuốc không đạt chuẩn GPP thật ra cũng là những nhà thuốc không bảo đảm quy chế dược, cần phải thấy trách nhiệm tự chuẩn hóa thì mới có thể tiếp tục hoạt động. Năm 2009, Sở Y tế sẽ tập trung vào mảng nhà thuốc khu dân cư: Sở tổ chức tập huấn, đào tạo cho các nhà thuốc theo địa bàn từng quận huyện, Sở đào tạo các đội tư vấn, chuyên viên trực tiếp đến giúp các nhà thuốc làm GPP, Sở trang bị miễn phí và hướng dẫn cách sử dụng phần mềm quản lý nhà thuốc, Sở tăng cường tuyên truyền về các nhà thuốc đạt GPP... Chúng tôi không kỳ vọng chuẩn GPP hoàn thiện 100% nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, ít nhất các nhà thuốc cũng phải bảo đảm: thuốc có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, giá thuốc được kiểm soát và vai trò của dược sĩ. Như vậy có thể thấy để nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, cái cần nhất là thay đổi phương thức quản lý (phải sắp xếp, bảo quản thuốc hợp lý, phải kinh doanh thuốc hợp pháp, phải kiểm soát được hệ thống, phải nâng cao vai trò dược sĩ) chứ không nhất thiết phải đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất. Trong quá trình thẩm định, Sở Y tế phân biệt mức độ của nhà thuốc để đánh giá thích hợp, các yêu cầu đáp ứng có thể khác nhau giữa nhà thuốc chuỗi và nhà thuốc tư nhân ở khu dân cư.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS!
Bùi Nguyệt (thực hiện)