Hà Nội

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Tiết kiệm chi phí xã hội hàng nghìn tỷ đồng

11-05-2020 05:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Văn phòng Chính phủ, tính trong hơn 1 tháng trở lại đây (giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19), số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia tăng gấp 3,3 lần so với số lượng hồ sơ đã tiếp nhận, xử lý của 4 tháng trước đó (trung bình mỗi ngày Cổng Dịch vụ công Quốc gia tiếp nhận, xử lý khoảng gần 1.400 hồ sơ trực tuyến).

Điều này đã cho thấy sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp đối với Cổng DVC Quốc gia.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) bảo đảm kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch, VPCP đã phối hợp với một số bộ, cơ quan xây dựng, tích hợp cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng DVC Quốc gia theo hướng liên thông điện tử việc xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm được cả thời gian và kinh tế.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm được cả thời gian và kinh tế.

5 dịch vụ được triển khai, đó là: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian, giảm thủ tục thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Các dịch vụ công này trên Cổng DVC Quốc gia sẽ hỗ trợ cho 4 triệu đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, rút ngắn thời gian thực hiện từ 6-10 ngày làm việc với từng đối tượng so với cách triển khai trực tiếp.

Theo thống kê, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVC Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Tiêu biểu là trong công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVC).

Tính đến ngày 7/5/2020, Cổng DVC Quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập, trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng DVC Quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp. Đã tiếp nhận, xử lý 5.465 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành việc xử lý 4.297 phản ánh, kiến nghị.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện DVC trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVC Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Được khai trương từ tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương và 63 địa phương. Đến nay, gần 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, theo tính toán sơ bộ, tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Tổng số văn bản gửi, nhận trong tháng 3 năm 2020 gấp 5 lần cùng kỳ năm 2019; trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000-150.000 văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông. Gửi nhận văn bản điện tử còn góp phần thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.


Trọng Thành
Ý kiến của bạn