Thực hiện Đề án BV vệ tinh: Cần có sự đồng thuận và hỗ trợ của địa phương

28-09-2015 07:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh, lợi ích rõ ràng mà đề án này mang lại là nhiều BV tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật không thua kém BV tuyến Trung ương

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh, lợi ích rõ ràng mà đề án này mang lại là nhiều BV tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật không thua kém BV tuyến Trung ương, giúp người dân được điều trị kỹ thuật cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai Đề án BV vệ tinh vẫn còn không ít bất cập. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế...

Thực hiện Đề án BV vệ tinh: Cần có sự đồng thuận và hỗ trợ của địa phương
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê.

PV: Có thể hình dung những hiệu quả thiết thực ban đầu của Đề án BV vệ tinh như thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Tuy mới triển khai Đề án BV vệ tinh được 2 năm, song đến nay đã có 15 BV tuyến trên là hạt nhân và 53 BV tuyến dưới là vệ tinh tại 36 tỉnh, thành phố. Mạng lưới BV vệ tinh đã được thiết lập một cách chặt chẽ giữa tuyến Trung ương và địa phương ở 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Ngoài các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, 14 BV hạt nhân đã tổ chức được 327 lớp đào tạo cho 3.891 lượt cán bộ BV vệ tinh; chuyển giao 293 lượt kỹ thuật cho 1.745 cán bộ. Bên cạnh đó, các BV đầu ngành như Việt Đức, Bạch Mai... cũng đã tiến hành các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi giúp nâng cao năng lực cho các BV vệ tinh. Đáng chú ý, nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ các BV hạt nhân, nhiều BV vệ tinh đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó. Nhiều BV tuyến tỉnh đã thực hiện được kỹ thuật không thua kém các BV tuyến Trung ương, như BVĐK tỉnh Khánh Hòa, BVĐK tỉnh Phú Thọ, BVĐK tỉnh Thanh Hóa, BVĐK tỉnh Lào Cai, BVĐK tỉnh Quảng Ninh, BVĐK tỉnh Lâm Đồng, BVĐK tỉnh Ninh Thuận...

Theo báo cáo từ các BV vệ tinh, tỷ lệ chuyển tuyến đang có xu hướng giảm, những tháng đầu năm 2015, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm rõ rệt (37,5%), góp  phần giúp các BV tuyến trên thực hiện tốt việc giảm tình trạng quá tải.

PV: Lợi ích của BV vệ tinh đã thấy rõ, đó là cái lợi của cả 3 bên: BV tuyến TW, BV tuyến dưới và người bệnh. Thế nhưng vẫn còn không ít địa phương chưa mặn với đề án này, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Đến nay còn khoảng 20 tỉnh, thành phố trong cả nước chưa có BV vệ tinh, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang... Đây cũng là những địa phương có số lượng bệnh nhân đổ dồn lên TP. Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh rất lớn. Vì thế, tình trạng quá tải vẫn còn tiếp diễn ở các BV tuyến Trung ương, nhất là các BV tuyến cuối ở TP. Hồ Chí Minh. Tại khu vực phía Bắc, vẫn còn 8 tỉnh chưa có BV, khoa vệ tinh.

Sở dĩ BV ở các tỉnh, thành phố này chưa tham gia mạng lưới BV vệ tinh là do chính quyền địa phương chưa duyệt cấp hoặc chưa cấp kinh phí thực hiện. Một số BV lại không đủ năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Đây là lý do chính khiến các BV tuyến trên không thể làm BV hạt nhân cho các BV vệ tinh.

Thực hiện Đề án BV vệ tinh: Cần có sự đồng thuận và hỗ trợ của địa phương
Thực hiện kỹ thuật cao tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh theo Đề án BV Vệ tinh (ảnh BV cung cấp).

PV: Vậy, để khắc phục những tồn tại này và phát huy tối đa hiệu quả của Đề án BV vệ tinh, ông có thể cho biết những giải pháp tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới là gì?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Để phát huy hơn nữa hiệu quả thiết thực của Đề án BV vệ tinh, tới đây ngoài việc bổ sung thêm các BV tuyến cuối có trình độ kỹ thuật cao, đủ năng lực làm BV hạt nhân, Bộ Y tế sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của đơn vị đào tạo thực hành của BV hạt nhân để thực hiện tốt việc đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Bộ Y tế cũng mong muốn UBND các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách, huy động vốn để thực hiện đầu tư phát triển BV phù hợp quy hoạch mạng lưới y tế địa phương nhằm đạt mục tiêu giảm tình trạng quá tải BV. Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển mạng lưới BV vệ tinh trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, của Bộ Y tế, cần phải có sự đánh giá, thẩm định thường xuyên giữa các BV hạt nhân với BV vệ tinh; giữa Bộ Y tế với các địa phương. Đặc biệt, rất cần có sự đồng thuận và hỗ trợ của địa phương (về các ưu đãi như vốn, quỹ đất...) để Đề án BV vệ tinh tại các địa phương thành hiện thực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuệ (thực hiện)

 

 

 

 


Ý kiến của bạn