Hà Nội

Thực hiện công tác dân số trong tình hình mới: Vận hội, thách thức và giải pháp

27-12-2018 06:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 25/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TW).

Quan điểm số 2 của Nghị quyết này xác định phương hướng của công tác dân số trong tình hình mới là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

ThS. Nguyễn Doãn Tú.

ThS. Nguyễn Doãn Tú.

Nhận thức rõ vận hội và thách thức, sáng tạo trong quá trình thực hiện các giải pháp nhằm quán triệt phương hướng và đạt được các mục tiêu do Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là yêu cầu tất yếu

Chính sách dân số với mục tiêu giảm mức sinh của nước ta thường được gọi là chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) bắt đầu từ Quyết định 216/CP ngày 26/12/1961của Hội đồng Chính phủ “về việc sinh đẻ có hướng dẫn”. Từ đó đến nay, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số luôn luôn nhấn mạnh mục tiêu giảm sinh, khống chế sự gia tăng dân số quá nhanh.

Đặc biệt, tháng 1/1993, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết riêng về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu duy nhất là: “Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, để tới năm 2015, bình quân trong toàn xã hội, mỗi gia đình (một cặp vợ chồng) có 2 con, tiến tới ổn định quy mô dân số từ giữa thế kỷ XXI”. Triển khai Nghị quyết này với bộ máy tổ chức được tăng cường, nguồn lực được bổ sung, nhất là việc cụ thể hóa Nghị quyết thông qua Chiến lược, Chương trình, Dự án, công tác dân số của nước ta đã thu được kết quả vượt cả mục tiêu đề ra. Nếu những năm 1965-1969, tính đến hết độ tuổi sinh đẻ, trung bình mỗi phụ nữ có khoảng gần 7 con thì từ năm 2005 đến nay, chỉ tiêu này chỉ “dao động” xoay quanh 2,0 con/phụ nữ. Mô hình “gia đình 2 con” đang trở nên phổ biến. Mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được. Ghi nhận thành công của Chương trình DS-KHHGĐ của nước ta, năm 1999, Liên hợp quốc đã tặng Giải thưởng Dân số choViệt Nam.

Thành công của chính sách DS-KHHGĐ đã hạn chế được bùng nổ dân số; hình thành cơ cấu dân số “vàng”; chất lượng dân số được nâng lên… Tuy nhiên, với tình hình thực tiễn, một vấn đề đặt ra là Chính sách Dân số của nước ta hơn nửa thế kỷ qua đặt KHHGĐ là trọng tâm liệu có còn thích hợp? Trên cơ sở nhận thức đầy đủ và sâu sắc những xu hướng mới của dân số cũng như tác động to lớn của những xu hướng này đến sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu 5 quan điểm làm nền tảng cho công tác dân số hiện nay, đặc biệt là chỉ rõ phương hướng: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Nghị quyết đã cụ thể hóa việc chuyển “trọng tâm” này thông qua việc đề ra 6 nhóm mục tiêu, bao gồm 23 chỉ tiêu nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức do tình hình dân số mang lại. Đây là chủ trương lớn của Đảng đối với công tác dân số của nước nhà.

Mục tiêu toàn diện, thách thức lớn lao

Như đã nói ở trên, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) năm 1993 về chính sách DS-KHHGĐ chỉ đặt ra  mục tiêu duy nhất là: “Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con”. Trong khi đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra hệ thống 6 mục tiêu toàn diện bao trùm các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số với 23 chỉ tiêu cụ thể. Có thể thấy rằng hệ thống mục tiêu và chỉ tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW rất rộng và rất cao. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), khi đề cập công tác dân số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề rất lớn và khó”.

Dưới đây, xin trình bày những cơ hội và thách thức trong việc thực hiện 6 nhóm mục tiêu do Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra.

Theo đó, thứ nhất, cần duy trì mức sinh thay thế; Thứ hai, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Thứ ba, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số “vàng”; Thứ 4, thích ứng với già hóa dân số; Thứ 5 là phân bổ dân số hợp lý và quản lý dân cư và cuối cùng là nâng cao chất lượng dân số.

Nhiều năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số ngay trong giai đoạn đầu đời, như: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đã thu được những kết quả tốt nhưng vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các dự án.

Tuyên truyền dân số cho phụ nữ dân tộc.

Tuyên truyền dân số cho phụ nữ dân tộc.

Một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt

Để thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần triển khai đồng bộ hệ thống 7 giải pháp mà Nghị quyết đã xác định, bao gồm các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; truyền thông thay đổi hành vi; xây dựng pháp luật và chính sách; củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ; đầu tư và quản lý tài chính; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hợp tác quốc tế. Trước mắt, phải tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Quán triệt những nội dung Nghị quyết 21-NQ/TW; Khẩn trương xây dựng và ban hành chiến lược, pháp luật và chính sách dân số cho giai đoạn mới; Tăng cường đầu tư nguồn lực và xây dựng cơ chế quản lý có hiệu quả việc sử dụng kinh phí đầu tư cho công tác dân số; Củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ năng lực quản lý, điều hành.

Lịch sử công tác DS-KHHGĐ ở nước ta gần 60 năm qua với nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức bộ máy quản lý cho thấy, tổ chức bộ máy là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả của công tác này.

Nghị quyết số 137/NQ-CP cũng nêu rõ phải xây dựng đề án tổ chức bộ máy làm công tác DS- KHHGĐ trình Chính phủ ban hành.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác Dân số trong tình hình mới là một chủ trương lớn của Đảng ta. Quán triệt đầy đủ Nghị quyết này cần có sự đổi mới tư duy, thực hiện đầy đủ Nghị quyết này cần vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Chúng ta tin tưởng rằng, Nghị quyết số 21-NQ/TW sẽ được thực hiện thắng lợi, các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra sẽ đạt được, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của đất nước.


ThS. Nguyễn Doãn Tú (Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số)
Ý kiến của bạn