88,5% dân số tham gia BHYT
Theo đó, giai đoạn 2018 - 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020. BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của ngành tại Trung ương và chỉ đạo toàn ngành thành lập Ban chỉ đạo phát triển đối tượng cấp tỉnh. BHXH Việt Nam cũng tăng cường công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch từ TW đến địa phương trong phát triển đối tượng, phối hợp thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT và quản lý Quỹ BHYT.
Hằng tháng, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT để kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc tại các địa phương; từ đó, đưa ra những giải pháp phát triển đối tượng hiệu quả. BHXH Việt Nam cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định tại BHXH các tỉnh, thành phố; đồng thời, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, xử phạt các đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT... Công tác truyền thông chính sách BHYT, cải cách thủ tục hành chính được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia.
Những giải pháp đó đã mang lại kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 88,5% dân số, vượt và hoàn thành trước mục tiêu theo Nghị quyết số 68/2013/QH13 (giao đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT); đồng thời cũng vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao là 3,3%.
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mình và gia đình
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của BHXH Việt Nam cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc hiện nay trong thực hiện chính sách pháp luật BHYT. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ này. Một bộ phận người dân chưa nhận thức sâu sắc về chính sách BHYT, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mình và gia đình, chưa ý thức được quyền lợi và trách nhiệm để tham gia BHYT theo quy định của pháp luật. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương.
Bên cạnh đó, còn một số bất cập, chưa thống nhất của pháp luật BHYT như: Vướng trong xác định giá trị thẻ BHYT của người lao động khi người sử dụng lao động nợ tiền đóng BHYT; chưa có chế tài xử phạt người không tham gia BHYT dù quy định là bắt buộc; khó khăn trong thực hiện tham gia BHYT với người lao động có yếu tố nước ngoài...
Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế này, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam có một số đề xuất, kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành và các địa phương. Quốc hội cần tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT chưa cao.
Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật BHYT. Đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp.
Để áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 trong xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định; các bộ, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn; Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn nội dung này.
Đối với các bộ liên quan, cần chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan ban hành các văn bản giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật BHYT liên quan đến lĩnh vực quản lý; tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực BHYT...
Đối với HĐNĐ, UBND các tỉnh, thành phố: Tăng cường thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn. Đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Giao chỉ tiêu tham gia BHYT đến từng xã để tổ chức thực hiện. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ mức đóng BHYT cho người tham gia, nhất là các nhóm đối tượng khó khăn. Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT để báo cáo bộ, ngành xem xét, giải quyết.