Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Gỡ khó cho việc tham gia BHYT hộ gia đình

13-05-2015 16:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua với một trong những mục tiêu lớn là tiến tới BHYT toàn dân.

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua với một trong những mục tiêu lớn là tiến tới BHYT toàn dân. Mục tiêu đó nhằm giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm mức chi trả từ tiền túi của người dân, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội... Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3/2015, số người tham gia BHYT lại giảm trên 1 triệu người so với cuối năm 2014. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: TM

Giảm 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm - Vì sao?

Nếu như năm 2014, hơn 64 triệu người tham gia BHYT thì đến hết tháng 3 năm nay, con số này đã giảm 1,2 triệu người. Đây là thông tin được ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thông báo sáng 12/5.

Theo đó, nếu như đến hết năm 2014, cả nước có tới 64.470 người dân tham gia BHYT, chiếm 71,6% dân số thì đến tháng 3 năm nay số người tham gia BHYT giảm còn 63.250 người. Điều này đồng nghĩa với việc từ khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, số người tham gia BHYT giảm hơn 1,2 triệu người. Trong đó, một trong những đối tượng tham gia BHYT giảm nhiều nhất là những người phải tự bỏ tiền mua thẻ trong các hộ gia đình, với tỷ lệ giảm 15%.

Giải thích tình trạng này, ông Vũ Xuân Bằng cho rằng, nguyên nhân là do người dân chưa hiểu các quy định mới của luật, trong khi đó một số địa phương vẫn còn máy móc trong thủ tục đăng ký thẻ. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác khiến lượng người tham gia BHYT giảm là do trước đây chưa quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình (có thể trong gia đình chỉ có 1 người tham gia với số tiền chi trả 620.000 đồng/năm), nay áp theo quy định mới dù mức đóng có giảm dần nhưng nhân lên 5 người (số nhân khẩu trong hộ gia đình) thì số tiền hộ gia đình ấy phải đóng trung bình cũng gần 2 triệu đồng/năm.

“Với người nông dân thì đây là một khoản tiền lớn nhưng nếu coi sức khỏe là vốn quý, một tháng trung bình mỗi người đóng 33.000 đồng thì không có gì là cao. Chúng tôi cũng đang tính toán phương án nên thu BHYT theo hộ gia đình như thế nào cho phù hợp, đóng liền 1 năm hay 1, 3, 6 tháng. Tuy nhiên, nếu thu theo tháng thì sẽ dồn khó cho bảo hiểm vì về nguyên tắc, thẻ BHYT cấp có giá trị trong vòng 1 năm. Nếu người dân chỉ đóng 3 tháng thì 9 tháng còn lại làm thế nào?” - ông Bằng cho biết thêm.

Làm sao để tăng tỷ lệ tham gia BHYT?

Theo ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), BHYT là hình thức bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân Việt Nam đều “lựa chọn ngược” là đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua BHYT. Sở dĩ phải “luật hóa” việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là để khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác. Điều này dẫn đến việc quỹ BHYT cho đối tượng tự nguyện luôn bội chi; mục đích chia sẻ rủi ro của bảo hiểm chưa đạt được.

“Trên thực tế, gia đình là tế bào của xã hội và bản chất của BHYT không phải quỹ tương trợ, mà đó là cơ chế tài chính để chia sẻ rủi ro giữa cộng đồng những người tham gia. Do vậy trong hộ gia đình, các thành viên phải có trách nhiệm đối với nhau, sau đó có trách nhiệm với cộng đồng, rồi từ đó cộng đồng mới có trách nhiệm với cá nhân” - ông Phạm Lương Sơn chia sẻ.

Tuy nhiên, trước những tồn tại trong triển khai thực hiện chính sách BHYT theo hộ gia đình, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, để thực hiện bán BHYT theo hộ gia đình cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để hướng dẫn người dân tham gia BHYT một cách thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật, kịp thời tháo gỡ những trở ngại để đảm bảo tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.

Trước những tồn tại trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 777/ BHXH-BT hướng dẫn chi tiết mua BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, nếu người dân đã tham BHYT mà đến nay vẫn tiếp tục tham gia thì sẽ được cấp thẻ có thời hạn sử dụng đến hết 31/12/ 2015. Những người còn lại chưa từng tham gia BHYT thì bắt buộc phải tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Với những người tham gia BHYT lần đầu trong năm 2015 mà đã đóng tiền và được cấp thẻ BHYT thì thẻ này chỉ có giá trị sử dụng trong 3 tháng. Sau khi thẻ hết hạn, những người này bắt buộc phải tham gia theo hình thức hộ gia đình. Công văn cũng nêu rõ từ 1/1/2016 trở đi, tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, tạm vắng bắt buộc phải tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình.

Nguyễn Hoàng

 

 


Ý kiến của bạn