Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị giao ban giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kết quả triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa diễn ra tại Hà Nội…
KCB thông tuyến: BV huyện tăng 30-40% lượt bệnh nhân
Thông tin tại cuộc họp, bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chất lượng khám chữa bệnh (KCB), giảm quá tải, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của đội ngũ y bác sĩ; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong BHYT; tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHYT…
Về phía BHXH Việt Nam, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến hết tháng 6, cả nước đã có 72,81 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,8 triệu người so với năm 2015), đạt tỉ lệ bao phủ 79% dân số).
Trong 6 tháng đầu năm, số lượt KCB BHYT ngoại trú cả nước tăng 16% so với cùng kỳ. Các BV tuyến huyện có số lượng bệnh nhân đến KCB tăng từ 30-40%, thậm chí nhiều cơ sở KCB tư nhân tăng gấp 2 lần; trong khi đó, số lượng KCB tại tuyến xã giảm. Do đó, dự kiến năm 2016 sẽ có một số tỉnh bội chi quỹ KCB BHYT. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kết nối các cơ sở KCB với hệ thống thông tin giám định BHYT. Đến nay, 99,5% cơ sở KCB BHYT tại 63 tỉnh đã kết nối vào hệ thống (66 trạm y tế xã tại 11 tỉnh, thành phố chưa triển khai được do không có điện lưới, không phủ sóng internet).
Mặc dù Bộ Y tế đã rất nỗ lực, song theo bà Tống Thị Song Hương, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định liên quan đến Luật BHYT vẫn còn gặp một số tồn tại, vướng mắc như những vấn đề phát sinh khi thực hiện Thông tư 37 và thanh toán chi phí KCB BHYT; thanh toán thuốc, vật tư y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định và thanh toán BHYT; phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, chuyển tuyến đối với cơ sở KCB chuyên khoa, BV y học cổ truyền tuyến tỉnh, tuyến trung ương…
Cũng tại hội nghị, ông Lê Văn Phúc cho biết, ngành BHXH cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc về tỉ lệ tham gia của một số nhóm đối tượng còn thấp, một số tỉnh chưa hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT; tỉ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT chưa đạt 100%; tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHYT còn xảy ra ở hầu hết các địa phương (số nợ tính đến 30/6 là hơn 2.966 tỉ đồng)…
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT
Tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo cũng cho biết, BHXH Việt Nam sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT; tích cực triển khai thực hiện Quyết định 1176 của Chính phủ về tăng tỉ lệ bao phủ BHYT…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hai ngành cần phải tăng cường công tác phối hợp, thảo luận kỹ từng vấn đề, nhất là giải pháp tăng độ bao phủ BHYT và nâng cao chất lượng KCB nhằm thực hiện BHYT toàn dân. Về phát triển đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT, cần có giải pháp, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, phấn đấu 100% đối tượng này tham gia BHYT.
Bộ trưởng cũng thống nhất với BHXH Việt Nam các quy định liên quan đến thanh toán tiền giường trong trường hợp nội trú, ngoại trú, cấp cứu; công khai minh bạch giá dịch vụ kỹ thuật; các khó khăn trong việc phát triển đối tượng BHYT; thông tuyến KCB BHYT; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB BHYT, trong năm 2016, cơ sở y tế nào chưa kết nối sẽ không thanh toán chi phí KCB BHYT.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các vụ/cục liên quan của Bộ phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng quy chế về chuyển tuyến, giá dịch vụ y tế; thống nhất danh mục thuốc tuyến xã để phục vụ cho những bệnh mạn tính; tiến tới làm thí điểm đấu thầu trang bị máy móc kỹ thuật. Đặc biệt, cần xây dựng ngay danh mục thuốc và tính toán phác đồ điều trị cho mô hình phòng khám bác sĩ gia đình...