Tiếp theo số 27
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Bên cạnh việc thực hiện rà soát, cắt giảm TTHC, năm 2015, BHXH Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện tin học hóa trong quản lý, giải quyết các chế độ chính sách. Cụ thể như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 28/1/2015 phê duyệt dự toán thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH giai đoạn 2012 - 2015 để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành, sẵn sàng cho việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Chính phủ; Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9/3/2015 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH giai đoạn 2012-2015. Với việc thực hiện Kế hoạch được điều chỉnh, các dữ liệu về người tham gia BHXH, BHYT, BHTN sẽ được quản lý tập trung và liên thông từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó, sẽ cắt giảm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cho chính ngành BHXH.
Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử tại cơ quan BHXH Việt Nam nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN; giảm thời gian và tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN; công khai các hoạt động của cơ quan BHXH Việt Nam.
Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tin học hóa BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai các nội dung được giao. Đến nay, đã thực hiện được một số công việc như: Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành bộ mã dịch vụ y tế dùng chung, chuẩn dữ liệu đầu ra cho các phần mềm quản lý khám bệnh, chữa bệnh; Xây dựng, thí điểm hệ thống kết nối và liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh ở cả 4 tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã (hiện đang thí điểm ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng); Xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn tại 63 tỉnh, thành phố về phần mềm nghiệp vụ giám định…
Bên cạnh đó, với mục đích huy động các sáng kiến của cá nhân, tổ chức để cải cách các thủ tục hành chính của ngành, ngày 18/6/2015, BHXH Việt Nam đã phát động Cuộc thi Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Những sáng kiến đạt giải sẽ được BHXH Việt Nam ứng dụng vào hoạt động thực tế của ngành.
Năm 2016, phấn đấu 100% đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch điện tử
Để cắt giảm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT và BHTN, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đó tập trung triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT; tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các Bộ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC nhằm đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT và BHTN cho cá nhân và tổ chức; phấn đấu trong năm 2016 đạt 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT và BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT qua giao dịch điện tử; tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN đồng thời ứng dụng các sáng kiến có giá trị vào hoạt động thực tiễn của ngành; tăng cường công tác kiểm tra, thực thi công vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.
Mặc dù đã hết sức nỗ lực, song trong thực tế triển khai, BHXH Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến ứng dụng CNTT vào quản lý nên chưa tích cực triển khai giao dịch điện tử; Một số đơn vị do cơ sở hạ tầng, nhân lực, máy móc, đường truyền mạng internet chưa đáp ứng được; Một số đơn vị có số lao động nhỏ, ít phát sinh tăng, giảm, quen sử dụng phương thức nộp hồ sơ giấy...ảnh hưởng đến kết quả triển khai giao dịch điện tử.
Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT mặc dù đã được đơn giản hóa song vẫn tồn tại nhiều bất cập nhưng việc sửa đổi, bổ sung chậm còn do vướng các quy định pháp luật hiện hành.
Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung người tham gia BHXH, BHYT tốn nhiều công sức vì hiện tại, ngành đang quản lý còn manh mún, thiếu đồng bộ. Phần mềm giao dịch điện tử nhiều lúc hoạt động chưa ổn định, còn chậm cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện giao dịch điện tử.
Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức toàn ngành, BHXH Việt Nam rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân trên cả nước... nhằm thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT.