Cùng với những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ - trẻ em (BM-TE) vẫn còn có không ít khó khăn, thách thức cần sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị để hoàn thành mục tiêu.
Một số chỉ tiêu toàn quốc đạt kết quả tốt nhưng còn có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư, cụ thể: Tỷ số tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi còn cao gấp 3 - 4 lần khu vực đồng bằng. Mặc dù chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân đã hoàn thành trước thời hạn trên bình diện cả nước nhưng vẫn còn cao ở một số địa bàn khó khăn thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi còn ở mức cao ở tất cả các vùng miền. Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em khu vực đô thị có xu hướng gia tăng.
Một số chỉ tiêu đã giảm khá thấp, tốc độ giảm chậm lại, cần phải có nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2015. Cụ thể, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi năm 2010 là 23,8‰, mỗi năm cần phải giảm được 0,9‰ để đạt được mục tiêu đề ra là 19,3‰, tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, bình quân mỗi năm chỉ giảm được 0,3‰. Tương tự, tốc độ giảm tỷ số tử vong mẹ có xu hướng chậm lại những năm gần đây, cần nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2015 là 58,3/100.000 trẻ đẻ sống, trong khí đó, tại các vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng không khám thai định kỳ, đẻ tại nhà không được cán bộ y tế hỗ trợ vẫn còn khá phổ biến.
Tư vấn cho phụ nữ mang thai. Ảnh: Trần Minh |
Trước những khó khăn, thách thức này, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe BM-TE đạt hiệu quả, đó là:
- Nhóm giải pháp về cải thiện môi trường chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe BM-TE
Về việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe BM-TE, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Lao động sửa đổi, trong đó nâng thời gian được nghỉ thai sản của phụ nữ từ 4 tháng lên 6 tháng. Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 21/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ với mục đích chính là bảo vệ và duy trì nguồn sữa mẹ. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe phụ nữ vùng sâu, vùng xa là người dân tộc thiểu số, dự kiến sẽ trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2013.
Bộ Y tế cũng trực tiếp ban hành một số chính sách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe BM-TE như Thông tư số 07/2013/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản, trong đó quy định cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế thôn, bản, Thông tư số 17/2012/TT-BYT quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh...
- Nhóm giải pháp về quản lý, điều hành
Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về DS-SKSS giai đoạn 2011-2020, Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, trong đó có nhiều mục tiêu, giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe, giảm tử vong BM-TE. Để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược cũng như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe BM-TE, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh giai đoạn 2011-2015.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ nhằm giảm tử vong mẹ, Chương trình hành động giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh hướng tới thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ 4 & 5.
Bộ Y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tới các cơ sở y tế trong toàn ngành tăng cường chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe BM-TE, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, các cơ sở y tế nhằm phân tích tình hình và đề ra giải pháp nhằm giảm tử vong BM-TE.
Đinh Anh Tuấn (Vụ BM-TE)