Vì sao bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến mất cân bằng giới tính khi sinh?
Theo quan niệm của Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái… trên cơ sở chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo tiền đề cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững. Tuy nhiên, tại một số địa phương, bất bình đẳng giới vẫn diễn ra, thể hiện qua việc phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu, vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số nơi… Trong đó, tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong việc sinh con, nuôi con là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bất bình đẳng giới vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Nghị quyết dân số mới và vấn đề bình đẳng giới
Nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới trong gia đình ở nước ta là do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến gia trưởng cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội và hầu như nam giới chưa thay đổi quan niệm trụ cột của mình với gia đình. Phụ nữ thì còn tự ti, luôn nghĩ mình là người hỗ trợ cho vai trò trụ cột của chồng. Mặc dù Việt Nam đã có Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng theo Điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015 do Tổng cục Thống kê thực hiện, có tới 58,6% phụ nữ DTTS từ 15-49 tuổi tin rằng chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào trong 5 lý do: Vợ ra ngoài mà không xin phép, vợ bỏ bê con cái, vợ cãi lại chồng, vợ từ chối quan hệ tình dục với chồng, vợ làm cháy thức ăn. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những bất bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tình trạng tảo hôn… Do đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu quan điểm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên thì cần nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; giảm 50% số cặp tảo hôn; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đạt mục tiêu tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao. Một số địa phương có tỷ số giới tính khi sinh chênh lệch cao là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…