Làm việc liên tục nhiều giờ không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan như hệ thần kinh, tim mạch mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất công việc... Chắc rằng bạn cũng biết điều đó, tuy nhiên bạn cảm thấy thật khó khăn để rời khỏi văn phòng đúng giờ. Nguyên nhân của việc “trễ nãi” này có thể là bạn dễ dàng bị phân tâm, không sắp xếp theo mức độ ưu tiên hoặc không quản lý tốt thời gian của mình... Dù lý do là gì đi nữa thì đây là lúc để xem xét lại và thoát ra khỏi những giờ làm thêm với 6 gợi ý theo chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink, một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng nhân sự và tìm việc trực tuyến ở nước ta.
Bắt đầu ngày làm việc với mục tiêu đã định trước
Nghe qua có vẻ đây là điều rất dễ thực hiện nhưng có rất nhiều người không “buông bỏ” được công việc đúng giờ bởi vì họ không đặt ra mục tiêu cho mình. Thay vào đó, họ lại để mặc cho bản thân bị cuốn theo dòng chảy của những việc ngoài lề, nhỏ nhặt và không “ngó ngàng” đến việc cần ưu tiên, để rồi sau đó vào cuối ngày vẫn còn một “núi” việc cần phải làm. Tất cả đều do họ không có kế hoạch cho 5 giờ chiều.
Vì vậy, ngay từ buổi sáng hãy xác lập cho mình khoảng thời gian bạn sẽ ra về bằng cách đánh dấu trên lịch, đặt chuông báo trên điện thoại hoặc chỉ cần ghi nhớ trong đầu. Điều này sẽ tạo cho bạn động lực giúp sử dụng thời gian tốt hơn, tập trung giải quyết công việc để có thể rời khỏi văn phòng đúng giờ.
Nói với đồng nghiệp về thời gian bạn sẽ ra về
Khi nói với người khác về khoảng thời gian bạn rời đi, sẽ có nhiều khả năng bạn làm đúng như vậy. “Tranh thủ” những lúc thảo luận với đồng nghiệp về các kế hoạch sắp tới hoặc công việc, hãy nói với họ rằng “Tôi phải ra về đúng giờ vào hôm nay, nếu anh/chị cần việc gì, hãy cho tôi biết trước lúc 3 giờ.” Bằng cách thông báo trước thế này, bạn sẽ tránh được những cuộc họp hoặc những nhiệm vụ có thể bất ngờ xuất hiện vào phút cuối.
Hãy thử cách này một ngày, hai ngày và trong những ngày kế tiếp, không chỉ bạn sẽ tập được thói quen ra về đúng giờ mà đồng nghiệp cũng sẽ trở nên quen dần với giờ giấc của bạn.
Thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhất
Để đảm bảo bạn luôn đi đúng hướng, hãy tạo danh sách có hai cột: Ở cột trái, liệt kê ba đến năm công việc ưu tiên quan trọng nhất mà bạn chịu trách nhiệm; ở cột phải, liệt kê tất cả các hoạt động bạn làm trong ngày. Vào cuối ngày, hãy đối chứng xem bạn đã đạt được bao nhiêu trong phần việc trong cột phải nhằm hỗ trợ trực tiếp các ưu tiên chính của bạn ở cột trái. Nếu không có sự tương ứng, bạn nên đánh giá lại công việc bạn chọn làm trong suốt cả ngày. Thực hiện tốt các công việc ưu tiên không chỉ làm bạn dễ dàng đi về đúng giờ hơn mà còn giúp bạn cảm thấy hài lòng và phấn chấn vì công việc đã được hoàn thành.
Ngừng lãng phí thời gian
Nếu nhận thấy mình thường rời văn phòng khá trễ, hãy dành ra ít phút để đánh giá cách làm việc của bạn. Bạn có kiểm tra email 5 phút một lần không? Bạn có trả lời mọi email ngay lập tức không?... Mặc dù việc giao tiếp với đồng nghiệp là điều cần thiết nhưng việc liên tục bị phân tâm sẽ làm suy giảm nghiêm trọng năng suất và sự tập trung của bạn, và tất cả các thói quen này sẽ giữ bạn ở lại văn phòng lâu hơn.
Vì vậy, nếu muốn rời văn phòng đúng giờ, chỉ nên kiểm tra và trả lời email ở một vài thời điểm trong khoảng thời gian nhất định, tránh xa những điều có thể mang đến sự phiền nhiễu, hoặc “khống chế” việc nói chuyện phiếm với đồng nghiệp và tập trung vào nhiệm vụ ưu tiên của mình. Bạn không có quá nhiều thời gian để lãng phí đâu!
Nhấc điện thoại lên
Email có thể là công cụ trao đổi hiệu quả nhưng có những trường hợp nó cũng khiến bạn tốn nhiều thời gian, ngược lại một cuộc giao tiếp qua điện thoại sẽ tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn. Vì vậy, nếu hộp thư đến của bạn trở nên rối rắm bởi một loạt tin nhắn qua lại không hồi kết thì đây là lúc để thay đổi chiến lược: nhấc điện thoại lên. Với một cuộc gọi đơn giản, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian đọc, phân loại và trả lời email đồng thời có thể giải quyết dứt điểm vấn đề.
Dành 15 phút để “chuyển giao”
Dành 15 phút cuối ngày để làm những việc nhỏ như dọn dẹp lại bàn làm việc, sắp xếp email và lên danh sách việc cần làm cho ngày tiếp theo. Hãy xem những phút cuối cùng này quan trọng như thời gian họp với sếp hoặc gặp gỡ khách hàng, nghĩa là đừng để bất cứ điều gì khác hay bất cứ ai “chen” vào lúc này. Nếu không kiểm soát được, bạn có thể kéo dài thời gian ở lại văn phòng lâu hơn.
Nếu bạn đã cố gắng thực hiện nghiêm túc gần như tất cả các gợi ý trên mà vẫn ra về sau 6 giờ tối, có thể bạn cần xem xét đến sự thay đổi công việc và môi trường công ty bởi làm việc quá tải là một trong những dấu hiệu đầu tiên. Hãy khám phá các lựa chọn của bạn bằng cách tham khảo các vị trí tuyển dụng hấp dẫn được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn.
Hoàng Oanh