1. Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt của người lớn tuổi
Ở người cao tuổi, cùng với sự lão hóa của các cơ quan, sức đề kháng kém, nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ là rất cao. Bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và cân bằng chế độ ăn uống, người cao tuổi không những giữ được sức khỏe thể chất dẻo dai mà còn có một đời sống tinh thần lạc quan, sống vui, sống khỏe.
ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Việc tăng sức đề kháng cho người cao tuổi đóng một vai trò rất quan trọng. Vì người cao tuổi thường bị suy giảm sức đề kháng do tuổi tác, một số người mắc các bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, gan, thận, ung thư,...
Người cao tuổi giảm các hoạt động thể lực nên nhu cầu tiêu hao năng lượng ít hơn người trẻ, do đó nhu cầu dinh dưỡng cũng giảm. Người cao tuổi nên ăn giảm lượng thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu canxi. Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa cholesterol "xấu" như nội tạng động vật, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào, rán,...
Đối với người cao tuổi, ăn nhiều đường không tốt vì làm tăng nguy cơ béo phì, mắc đái tháo đường, tim mạch... Nói chung, nên giảm lượng đường, bột trong khẩu phần. Hạn chế lượng muối ăn tiêu thụ giúp phòng ngừa tăng huyết áp và phòng xơ vữa động mạch.
Chế độ ăn của người cao tuổi nên tăng cường nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết thông qua các loại rau củ quả nhiều màu sắc, theo mùa tại địa phương như rau dền, súp lơ, bắp cải, su hào, dưa chuột, xà lách, đậu cô ve, giá đỗ, cải xoong, cà chua, cà rốt, chuối, cam, chanh, dưa hấu,...
Với người cao tuổi, cần chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Theo ThS. Lê Thị Hải, người cao tuổi chỉ nên ăn từ 1.600-1.700 kcalo/ngày. Số bữa ăn trong ngày nên gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ.
Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ thức ăn, không nói chuyện trong bữa ăn. Thường xuyên thay đổi thực đơn, chế biến các món hấp, luộc nhiều hơn, hạn chế các món rán, nướng. Các loại thực phẩm nên thái nhỏ nấu mềm, hoặc hầm kỹ để dễ tiêu hóa.
Người cao tuổi không nên ăn quá no, nhất là vào bữa tối sẽ gây đầy bụng, tăng thể tích dạ dày và chèn ép gây cản trở hoạt động của tim. Sau mỗi bữa ăn, nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút.
2. Thực đơn mẫu cho người cao tuổi
Những điều chỉnh đơn giản như trên có thể giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng một mô hình ăn uống lành mạnh hơn đối với người cao tuổi. Tham khảo cách xây dựng thực đơn để tận dụng tối đa thực phẩm và đồ uống đồng thời đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và giảm nguy cơ mắc bệnh:
Giờ ăn | Món ăn | Định lượng khẩu phần |
---|---|---|
6 - 7g30 sáng | Súp thịt bò + cà rốt + khoai tây Hoặc cháo thịt gà + bí đỏ + đậu xanh | Thịt bò/ thịt gà: 50g Gạo tẻ: 30g Khoai tây: 100g Bí đỏ/ cà rốt: 50g Đậu xanh: 10g |
9 giờ sáng | Sữa chua (sữa chua không đường càng tốt) + 1 phần trái cây (đu đủ/ thanh long/ nho/na) | Sữa chua: 1 hộp 100g Trái cây: khoảng 200g |
11g 30 | Cơm: 1 -2 lưng bát con Thịt/ cá/ tôm chế biến mềm, dễ ăn Canh rau lá hoặc canh củ quả nấu mềm | Gạo tẻ: 50-70g Thịt/ cá/ tôm: 100g Rau/củ/nấm: 200g |
14g30 | Sữa đậu nành không đường Hoặc 1 cốc sinh tố hoa quả Hoặc 1 cốc sữa tách béo | Sữa đậu nành/ sữa tươi: 200ml Sinh tố: 200ml |
18g-18g30 | Cơm: 1 bát con Thịt/ cá/ tôm chế biến vừa ăn Đậu phụ sốt cà chua Canh rau lá hoặc canh củ quả nấu mềm | Gạo tẻ: 50g Thịt/ cá/ tôm: 100g Đậu phụ: 1 bìa nhỏ khoảng 100g Rau: 100g |
21 giờ | Sữa dinh dưỡng tách béo, uống ấm | Sữa: 200ml |
Xem thêm video đang được quan tâm
3 nhóm thực phẩm cần bổ sung cho người bệnh thiếu máu.