Suy thận mạn là hậu quả các bệnh mạn tính của thận gây giảm dần mức lọc cầu thận, nếu giảm xuống dưới 50% (60 ml/phút) thì coi là suy thận mạn.
Đo mức lọc cầu thận và nồng độ creatinin máu để định mức suy thận, từ đó sẽ xây dựng chế độ dinh dưỡng theo biện pháp điều trị bảo tồn nội khoa hay điều trị thay thế thận suy như lọc máu ngoài thận chu kỳ. Khi lọc máu không hiệu quả mới ghép thận. (Xem bảng trên)
Trong bài này sẽ giới thiệu chế độ ăn rất thấp đạm, đủ năng lượng cho những người bệnh không được lọc máu chu kỳ ngoài thận.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn
Đạm rất thấp:
Dưới 25g đạm/ngày. Vì thế cần đạm có giá trị sinh học cao, đủ axit amin cần thiết và hấp thu cao. Loại này thường có trong thực phẩm động vật như thịt, cá, trứng, sữa và chiếm ít nhất 50% lượng đạm của khẩu phần.
Đủ năng lượng:
Trung bình 35-40 kcalo/kg/người. Nên dùng các loại khoai, củ, miến dong giàu năng lượng nhưng ít đạm. Còn gạo, mỳ chỉ dùng dưới 150g/ngày.
Tăng sử dụng đường, mật ngọt.
Chất béo có trong dầu, mỡ, bơ nên dùng 30-50g/ngày.
Đủ vitamin và muối khoáng:
Dùng rau ít đạm như bí xanh, bí đỏ, cần ta, dọc mùng, su su, đu đủ xanh... Hạn chế rau ngót, muống, rau sắng vì nhiều đạm. Quả ngọt nên dùng nhiều. Rau quả cung cấp nhiều vitamin, nhất là vitamin C, Fe, axit folic để tạo máu; các nhóm B - A - E để tăng cường các chất chống ôxy hoá, tăng sức đề kháng.
Cân bằng muối và nước:
Ít phốt phát, ít toan, đủ canxi. Ăn nhạt ở mức 2-3g muối/người. Nếu ăn thêm bột gia vị, mỳ chính thì bớt muối đi. Tăng thức ăn giàu canxi như tép, cá nhỏ, xương... và giảm thức ăn nhiều phốt phát như bầu dục, gan...
Nước để ăn và uống bằng số lượng nước tiểu thải ra ngày hôm trước, ít hơn nếu có phù, nhiều hơn nếu có mất nước như bị tiêu chảy.
Chú ý: Nên thực hiện lọc máu chu kỳ ngoài thận khi mức lọc cầu thận xuống dưới 40ml/phút.