Hình ảnh ngón chân bị gút.
Bệnh gút là gì?
Bệnh gút là một dạng viêm khớp với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau tại các khớp (thường ở ngón chân cái), xảy ra khi nồng độ acid uric trong máu cao khiến các tinh thể hình thành và tích tụ trong và xung quanh khớp. Các cơn gút cấp bùng phát thường cực kỳ đột ngột gây đau đớn rất nhiều cho người bệnh.
Acid uric được tạo ra khi cơ thể phân hủy một chất hóa học gọi là purine. Purine xuất hiện tự nhiên trong cơ thể, nhưng nó cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Ở hầu hết mọi người, cơ thể sản xuất một lượng acid uric có thể kiểm soát được và thận sẽ loại bỏ bất kỳ lượng dư thừa nào qua nước tiểu. Tuy nhiên, ở người bị bệnh gút, cơ thể không kiểm soát tốt lượng acid uric trong máu, nên lượng acid uric trong máu tăng cao.
Mục tiêu của điều trị bệnh gút là làm giảm mức acid uric trở lại bình thường để nó không gây ra vấn đề gì bất lợi cho cơ thể. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của bạn, sự kết hợp giữa thuốc để kiểm soát bệnh gút và thay đổi lối sống, bao gồm chế độ ăn ít purin, có thể giúp bạn đạt được mục tiêu đó.
Điều rất quan trọng là phải đưa nồng độ acid uric về mức bình thường và giữ chúng ở đó. Nếu không được điều trị thích hợp, các đợt bùng phát bệnh gút có thể trở nên thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn, và dẫn đến tổn thương xương khớp cũng như các biến chứng bệnh gút nghiêm trọng khác.
Những người bị bệnh gút theo chế độ ăn kiêng nói chung vẫn cần thuốc để giảm đau và giảm nồng độ axit uric.
Chế độ ăn kiêng cho bệnh gút
Mục tiêu: Duy trì cân nặng hợp lý và hình thành thói quen ăn uống tốt; tránh một số (nhưng không phải tất cả) thực phẩm có nhân purin; thực đơn ăn kiêng cho bệnh gút có thể bao gồm một số thực phẩm có thể kiểm soát nồng độ acid uric.
Chế độ ăn cụ thể: Các nguyên tắc chung của chế độ ăn kiêng bệnh gút tuân theo các khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh có lợi cho sức khỏe:
Giảm cân: Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút và ngược lại. Nghiên cứu cho thấy giảm số lượng calo và giảm cân - ngay cả khi không có chế độ ăn hạn chế purin - làm giảm mức acid uric và giảm tần suất các đợt gút cấp. Giảm cân cũng làm giảm áp lực trên các khớp.
Đa dạng các nguồn tinh bột và đường (carbs): Ăn nhiều trái cây, rau, gạo lứt và ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp đa dạng carbohydrate. Tránh thực phẩm và đồ uống có si-rô ngô có hàm lượng đường cao và hạn chế uống nước ép trái cây ngọt tự nhiên.
Nước: Giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách uống nước.
Chất béo: Cắt giảm chất béo bão hòa từ thịt đỏ, thịt gia cầm béo và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo.
Protein: Tập trung vào thịt nạc và thịt gia cầm, sữa ít béo và đậu lăng là nguồn cung cấp protein tốt, phù hợp cho bệnh gút.
Tráng ăn thực phẩm chứa nhiều Purin.
Thực phẩm nên tránh
Sử dụng một số loại thực phẩm có thể gây ra một đợt gút cấp. Một số nhân purin có trong thức ăn động vật và thực vật có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh gút do cơ thể chuyển hóa chúng thành acid uric.
Các loại thực phẩm chứa nhân purin, những người bị bệnh gút nên hạn chế sử dụng trong bữa ăn hàng ngày: Thịt đỏ và nội tạng (gan, thận, lòng,…) có nhiều chất béo bão hòa; hải sản, (tôm hùm, tôm, cá mòi, cá cơm, cá ngừ, cá hồi, cá thu và cá tuyết); đồ uống có đường và thực phẩm có nhiều đường; thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp) và đường tinh luyện; rượu, đặc biệt là bia và rượu mạnh.
Thực phẩm nên ăn
Bệnh gút là một bệnh mạn tính, phải dùng thuốc và có chế độ ăn kiêng lâu dài. Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh cho người bị bệnh gút nên bao gồm tất cả các nhóm thực phẩm (tinh bột, thịt, cá, đậu, trứng, sữa, rau củ quả…).
Thực phẩm có thể hỗ trợ giúp giảm nồng độ acid uric bao gồm: Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua và pho mát; dầu thực vật; đậu (đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan và đậu lăng); các loại rau xanh; trái cây, đặc biệt là những loại quả có nhiều vitamin C, chất xơ và hàm lượng đường thấp (cam, quýt, ổi, thanh long, dứa); các loại ngũ cốc, gạo lứt; nước lọc; thịt nạc (chẳng hạn như thịt gà); trứng; café...
Nhìn chung, người mắc bệnh gút nên ưu tiên lựa chọn đạm có nguồn gốc thực vật (đậu, đỗ, đậu phụ) hơn là đạm từ thịt, đặc biệt thịt đỏ hay hải sản, để giúp ổn định nồng độ acid uric trong cơ thể. Mặt khác, chế độ ăn giảm thịt đỏ và chất béo động vật cũng giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch do tăng cường tiêu thụ chất xơ, trái cây, rau, chất béo không bão hòa đơn.
Thực đơn mẫu cho người bệnh gút
TS.BS. Nguyễn Thanh Hà
(Khoa Dinh dưỡng tiết chế - Bệnh viện Phổi Trung ương)