Thực đơn cho người bệnh đái tháo đường bị máu nhiễm mỡ

SKĐS - Nguy cơ bị máu nhiễm mỡ tăng cao ở những bệnh nhân đái tháo đường, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới biến chứng bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim… Trong khi đó, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cholesterol.

1. Nguy cơ máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bệnh đái tháo đường có thể gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ do đái tháo đường. Có tới 70% người bệnh đái tháo đường type 2 bị rối loạn mỡ máu. Khi bị máu nhiễm mỡ kèm theo đái tháo đường, người bệnh có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do xơ vữa, cơn đau thắt ngực không ổn định hay bệnh động mạch ngoại biên chi dưới…

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Hải, Khoa Nội tiết - Bệnh viện 198 cho biết, người bị bệnh đái tháo đường có nhiều insulin trong máu, khiến mức cholesterol xấu tăng cao. Ngoài ra, ở những bệnh nhân này, các hạt cholesterol xấu nhỏ hơn và dày đặc hơn so với những người không mắc bệnh, làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám trên thành động mạch. Bệnh đái tháo đường cũng là tác nhân làm tăng mức triglyceride trong máu.

Ngược lại, cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2. Các nghiên cứu đã chỉ ra những người có mức cholesterol tốt thấp hoặc triglyceride cao có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn so với người có chỉ số cholesterol ổn định.

2. Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường bị máu nhiễm mỡ

2.1 Giá đỗ

Thực đơn cho người bệnh đái tháo đường bị máu nhiễm mỡ - Ảnh 2.

Giá đỗ có thể giúp hỗ trợ ổn định lượng mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường.

Giá đỗ rất giàu chất dinh dưỡng, giàu vitamin đặc biệt là vitamin C, E và chứa nhiều khoáng chất. Trong 100g giá đỗ chứa 5,5g protid, 5,3 glucid, 38g Ca, 91mg P, 1,4mg Fe, 0,2mg vitamin B1, 0,13mg vitamin B2, 0,75mg vitamin PP, 0,09mg vitamin B6, 10mg vitamin C. Riêng vitamin E trong giá đỗ lên tới 15 - 25mg, lượng calo là 44 calo.

Giá đỗ là thực phẩm rất tốt cho người bệnh đái tháo đường bị rối loạn mỡ máu. Giá đỗ trong quá trình lên mầm có lượng vitamin C cao gấp 7 lần so với lượng vitamin vốn có trong hạt đỗ. Cùng với đó là lượng chất xơ dồi dào có thể giúp hỗ trợ ổn định lượng mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường.

2.2 Quả táo

Cách tốt nhất để quản lý lượng đường trong máu là ăn thực phẩm chứa carbohydrate như táo. Kết hợp với nguồn protein và chất béo có lợi cho tim, những chất này sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ các bữa ăn/bữa ăn nhẹ, đồng thời làm hạn chế sự gia tăng lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ thể có xu hướng xử lý carbohydrate tốt hơn vào đầu ngày so với muộn hơn vào buổi tối. Vì vậy, thêm một quả táo vào bữa ăn chính/bữa ăn nhẹ sớm hơn so với ngay trước khi đi ngủ có thể dẫn đến phản ứng đường huyết tốt hơn.

Một quả táo trung bình có khoảng 100 calo với 25g carbohydrate và 4,4g chất xơ, cả chất hòa tan và không hòa tan. Chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbs. Trong đó, pectin là một chất xơ hòa tan có thể giúp giảm cholesterol xấu và cũng góp phần tăng cường sức khỏe đường ruột.

Táo cũng là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào và chứa nhiều chất phytochemical/chất chống ôxy hóa mạnh mẽ bao gồm quercetin, catechin, axit chlorogen và anthocyanin. Có thể kết hợp táo với bơ đậu phộng, trộn cùng sữa chua Hy Lạp, xay sinh tố...

Nhưng táo cũng là trái cây chứa nhiều đường, nên bệnh nhân bị đái tháo đường không nên ăn quá nhiều táo. Khi ăn nên cắn cả miếng, hạn chế ép nước vì sẽ mất đi lượng chất xơ cần thiết cung cấp cho cơ thể.

2.3 Trà xanh giúp hạn chế máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường

Trà xanh có chứa hàm lượng catechin, một loại chất chống ôxy hóa rất dồi dào. Chất này có tác dụng giúp giảm cholesterol xấu và cholesterol toàn phần rất hiệu quả. Các flavonoide trong trà xanh giúp hạn chế sự lắng đọng cholesterol và xơ hóa mạch máu, làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nguy cơ tử vong do các vấn đề tim mạch.

Bên cạnh đó, trong trà xanh có nhiều chất chống ôxy hóa có thể giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ bớt độc tố có hại, tốt cho gan, làn da tươi sáng và tăng cường sức khỏe.

2.4 Cá hồi

Thực đơn cho người bệnh đái tháo đường bị máu nhiễm mỡ - Ảnh 4.

Cá hồi là nguồn thực phẩm giàu axit béo omega-3 giúp tăng nhẹ lượng cholesterol tốt.

Cá hồi được biết đến là nguồn thực phẩm giàu axit béo omega-3 giúp làm giảm triglyceride và làm tăng nhẹ lượng cholesterol tốt. Từ đó làm giảm lượng mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Khi người bệnh đái tháo đường có rối loạn mỡ máu, nên lựa chọn ăn ít nhất 2 khẩu phần (khoảng 56,70 - 85,05g/khẩu phần) cá hồi/ tuần.

2.5 Tỏi

Việc đưa tỏi vào bữa ăn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tỏi có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch bằng cách giảm tổng số cholesterol xấu LDL trong cơ thể nhờ làm giảm hoạt động của enzyme tạo ra cholesterol chính có trong gan. Ngoài ra tỏi còn ổn định lượng đường huyết, kiểm soát huyết áp và kháng khuẩn rất tốt.

3. Một số thực đơn cho người đái tháo đường bị máu nhiễm mỡ

Dưới đây là một số thực đơn cho người đái tháo đường bị máu nhiễm mỡ gợi ý của Trung tâm dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh.

Thực đơn 1: Cung cấp 1.120 Kcal/ngày/người

  • Bữa sáng: Bún mọc, 1 tô vừa
  • Trước khi ăn cơm trưa: 200g đu đủ chín
  • Bữa trưa: ¾ bát cơm, 3 viên chả cá kho viên, 1 bát canh bắp cải thịt, 130g su su luộc
  • Bữa xế: 150g lê
  • Chiều: ¾ bát cơm, 4 con cá kèo kho rau dăm, ½ bát canh cải xoong nấu thịt, 170g đậu bắp luộc
  • Tối: 124ml (27g) sữa dành cho người bị đái tháo đường

Thực đơn 2: Cung cấp 1.400 Kcal/ngày/người

  • Bữa sáng: 1 bánh mì trứng
  • Trước khi ăn cơm trưa: 4 múi bưởi
  • Bữa trưa: 1 bát cơm, 50g thịt gà kho gừng, 1 bát canh bí đao, 200g rau lang luộc
  • Bữa xế: 170g thanh long
  • Bữa chiều: 1 bát cơm, ½ miếng đậu hũ thịt sốt cà, 1 bát canh rau dền nấu tôm tươi
  • Tối: 147ml (32g) sữa dành cho người bị đái tháo đường

Thực đơn 3: Cung cấp 1.600 Kcal/ngày/người

  • Bữa sáng: Bún riêu
  • Bữa trưa: 1 bát cơm, ½ khúc cá thu sốt cà, 1 bát canh cải xanh nấu lá thác lác, 200g bí xanh luộc, ½ quả ổi
  • Bữa xế: ½ trái thanh long
  • Bữa chiều: 1 bát cơm, 11 con tép kho, 170g canh mồng tơi nấu tôm, 150g bông cải luộc, ½ quả ổi
  • Bữa tối: 166ml (36g) sữa dành cho người đái tháo đường

Khi áp dụng các loại thực đơn cho người đái tháo đường có máu nhiễm mỡ, cần thực hiện một cách nghiêm túc và đều đặn. Nên tránh những loại đồ ăn có tác động xấu đến bệnh, ghi nhớ những đồ nên ăn và nên kiêng. Ngoài ra, nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh định kỳ.

Bên cạnh chế độ ăn uống, người bị đái tháo đường có mỡ máu cao cũng cần lưu ý để hỗ trợ việc điều trị chuyển biến tích cực hơn như hạn chế sử dụng rượu bia, giảm lượng muối tiêu thụ và tăng cường vận động, giảm cân an toàn… Không bỏ bữa, không ăn kiêng triệt để bằng hình thức nhịn ăn, cố gắng ăn vào khung giờ cố định trong ngày, hạn chế ăn tối muộn…

7 loại trái cây giàu chất xơ người bệnh máu nhiễm mỡ nên ăn hàng ngày7 loại trái cây giàu chất xơ người bệnh máu nhiễm mỡ nên ăn hàng ngày

SKĐS - Hoa quả chứa nhiều chất xơ, chất chống ôxy hóa tốt giúp giảm nồng độ cholesterol và chất béo trong máu, ngăn ngừa hình thành mảng bám trong lòng động mạch. Tăng cường hoa quả trong chế độ ăn giúp hạn chế cholesterol trong máu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?


Hoàng Yến
Ý kiến của bạn