Hà Nội

Thục địa bổ âm, bổ huyết

04-08-2012 13:06 | Y học cổ truyền
google news

Thục địa là vị thuốc được chế biến từ sinh địa (Radix Rehmanniae glutinosae), bằng cách đem sa nhân tán bột, ngâm với rượu 400 rồi lấy dịch chiết sa nhân tẩm vào sinh địa, ủ 1 giờ sau đó nấu cách thủy, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50 - 600C.

(SKDS) - Thục địa là vị thuốc được chế biến từ sinh địa (Radix Rehmanniae glutinosae), bằng cách đem sa nhân tán bột, ngâm với rượu 400 rồi lấy dịch chiết sa nhân tẩm vào sinh địa, ủ 1 giờ sau đó nấu cách thủy, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50 - 600C. Ngoài ra, thục địa còn được chế biến bằng cách nấu với rượu 400 và gừng tươi hoặc nấu cách thủy với rượu hoặc chỉ dùng phương pháp đồ chín sinh địa.

Theo YHCT, thục địa có vị ngọt tính ấm, quy vào 3 kinh tâm, can, tỳ. Với công năng tư âm, dưỡng huyết, sinh tân, chỉ khát, bổ thận. Được dùng trị các trường hợp thiếu máu, da xanh, gầy, người bị thương mất máu, chảy máu cam, băng kinh, kinh nguyệt không đều, chóng mặt, đau đầu, tân dịch khô sáp, nứt nẻ môi, râu tóc sớm bạc, lưng đau, gối mỏi, tân dịch hư hao, tai ù, di mộng tinh, ra nhiều mồ hôi. Khi dùng thường phối hợp với các vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả.

 Thục địa là vị thuốc được chế từ sinh địa khô, tác dụng tư âm, dưỡng huyết, bổ thận.

Thục địa thường được sử dụng trong các trường hợp

Kém ăn, sắc mặt vàng vọt, chân tay vô lực: thục địa, đương quy, bạch thược, xuyên khung, nhân sâm, bạch truật, bạch phục linh, mỗi vị 5g, cam thảo 3g, ngày 1 thang dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Công dụng: điều khí, bổ huyết, dùng tốt trong thể khí và huyết đều kém. Dùng liền 3 - 4 tuần. Nghỉ 1 tuần, sau dùng tiếp.

Tim loạn nhịp, hơi thở ngắn, sắc mặt trắng bệch, người mệt mỏi, chân tay lạnh: thục địa, đương quy, bạch thược, xuyên khung, nhân sâm, bạch truật, bạch phục linh, mỗi vị 5g, hoàng kỳ 10g, cam thảo, nhục quế, mỗi vị 3g, ngày 1 thang,  dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Công dụng: ôn bổ khí huyết, dùng tốt trong các trường hợp cả khí và huyết trong cơ thể đều hao tổn. Dùng liền 3 - 4 tuần lễ. Nghỉ 1 tuần rồi dùng tiếp.

Đau đầu, ù tai, đau lưng, mỏi gối, ra nhiều mồ hôi, di tinh, háo khát: thục địa 16g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì, hoài sơn, bạch phục linh, trạch tả, mỗi vị 6g. Ngày 1 thang dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Công dụng: tư bổ thận âm, dùng tốt trong các trường hợp chức năng thận âm kém. Dùng liền 3 - 4 tuần. Nghỉ 1 tuần có thể dùng tiếp.

Lưng gối đau lạnh, tiểu tiện nhiều, liệt dương, xuất tinh sớm: thục địa 16g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì, hoài sơn, bạch phục linh, trạch tả, mỗi vị 6g, phụ tử (chế), quế nhục, mỗi vị 3g. Ngày 1 thang  dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Công dụng: ôn bổ thận dương, dùng tốt trong các trường hợp thận dương hư hàn. Dùng liền 3 - 4 tuần, nghỉ 1 tuần rồi dùng tiếp.

Mắt mờ, mắt sợ ánh sáng, hay chảy nước mắt, hoa mắt, ù tai: thục địa 16g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì, hoài sơn, bạch phục linh, trạch tả, mỗi vị 6g, câu kỷ tử, cúc hoa, mỗi vị 4g. Ngày 1 thang  dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Công dụng: tư thận, dưỡng can, dùng tốt trong các trường hợp chức năng can, thận âm hư.  Dùng liền 3 - 4 tuần, nghỉ 1 tuần có thể dùng tiếp.

Kém ăn, kém ngủ, cơ thể mệt mỏi sau ốm dậy: thục địa, đương quy, bạch thược, nhân sâm, bạch truật, bạch phục linh, trần bì, viễn chí, mỗi vị 5g, hoàng kỳ 10g,  cam thảo, nhục quế, ngũ vị tử, mỗi vị 3g. Ngày 1 thang dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn. Công dụng: ôn bổ khí huyết, dùng tốt trong các trường hợp cả khí và huyết trong cơ thể đều hư, tâm, tỳ bất túc. Dùng liền 3 - 4 tuần, nghỉ 1 tuần có thể dùng tiếp.            

   GS.TS.Phạm Xuân Sinh


Ý kiến của bạn