Phát triển cây chủ lực
Cam Hà Tĩnh là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để mở rộng diện tích, tăng năng suất nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt chú trọng sản xuất sản phẩm sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, hữu cơ), nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh thông qua việc thành lập các tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp, hiện nay, tổng diện tích trồng cam đạt trên 7.900ha chủ yếu tại 4 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600ha. Trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.
Năm 2021, được đánh giá là năm có sản lượng cam đạt cao, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ cam gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là các thương lái đến mua trực tiếp tại vườn hoặc phân phối đến các điểm bán nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh như Nghệ An, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Việc tiêu thụ cam qua các kênh như siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch để tạo đầu ra bền vững vẫn còn khá hạn chế.
Ngoài ra mặc dù sản phẩm cam Hà Tĩnh được sản xuất quy mô khá, quy trình theo tiêu chuẩn VietGap, được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm cam mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm tuy nhiên việc phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh chưa đạt hiệu quả cao, chưa được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam
Để cam Hà Tĩnh đến với thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước chiều 23/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm thương mại khách sạn BMC Hà Tĩnh, kết nối trực tuyến với 300 điểm cầu thông qua phần mềm VNPT Meeting và ZOOM Meeting đến các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Hội nghị nhằm quảng bá, hỗ trợ, xúc tiến kết nối tiêu thụ cam và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh trong điều kiện dịch COVID-19, giới thiệu, quảng bá thương hiệu cam và sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh đến với người dân trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cam Hà Tĩnh và các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá nông sản tỉnh Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong cả nước với 1.000 đại biểu đến từ các điểm cầu.
Nhằm mở rộng kênh tiêu thụ cho bà con, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn nhằm minh bạch thông tin đến người tiêu dùng, hiện đã kết nối 1.611 hộ sản xuất, 278 HTX/THT. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất cam hữu cơ chuyển đổi năm thứ 2 với quy mô 3 ha tại xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) và xã Lộc Yên (huyện Hương Khê).
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Bộ Công Thương kết nối tiêu thụ cam Hà Tĩnh tại hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Tập đoàn Masan, siêu thị Co.opmart, siêu thị Big C; xây dựng gian hàng cam Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như voso, postmart, sendo, shopee và sàn thương mại điện tử của tỉnh; tổ chức nhiều hình thức xúc tiến quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp đầu mối để đưa sản phẩm cam Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong nước.
Nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, đến nay, sản lượng cam tiêu thụ đạt 13.000 - 14.000 tấn, bước đầu thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như Vinmart, Coopmart, sàn thương mại điện tử.