Thúc đẩy phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo tồn dược liệu bằng cách nào?

20-11-2023 08:27 | Y học cổ truyền

SKĐS - Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Thực tế cho thấy hiện nay, nguồn cung dược liệu của Bắc Kạn chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh, dẫn đến nguy cơ suy giảm nhanh về số lượng...

Việc trồng, chế biến cây thuốc, cây dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Ngoài ra, trên địa địa bàn tỉnh còn thiếu doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý vẫn đang là điều mà các địa phương có thế mạnh mong muốn được thực hiện. 

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo tồn dược liệu, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung hỗ trợ tập trung vào tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…

Thúc đẩy phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo tồn dược liệu bằng cách nào?- Ảnh 1.

Cần phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng.

Cụ thể, UBND tỉnh đã hỗ trợ HTX Giáo Hiệu (Pác Nặm) xây dựng được 1 dự án liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ; hỗ trợ HTX Mộc Lan Rừng, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) xây dựng 1 mô hình trồng cây khôi nhung tía, với quy mô 10ha; hỗ trợ HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) kinh phí xây dựng nhà xưởng;…Ngoài ra, từ nguồn khuyến công của Trung ương và của tỉnh, nhiều HTX đã được hỗ trợ máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu có chất lượng cao như trà hoa vàng, cao cà gai leo, curcumin nghệ…

Năm 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 8/2/2023 Triển khai thực hiện Dự án Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Dự án 3 tiểu dự án 2, nội dung số 02 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Dự án dược liệu quý).

Cũng trong năm nay, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Dược liệu tổ chức khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai vùng trồng dược liệu, tổ chức thẩm định Dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dự án sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và địa phương; vốn xã hội hóa từ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam; các phương pháp điều trị bệnh bằng y dược cổ truyền; thành tựu của y dược cổ truyền; tổ chức các hoạt động vinh danh thầy thuốc y dược cổ truyền; phổ biến kiến thức, lợi ích của y dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, những bài thuốc hay, cây thuốc quý... 

Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của đông y được nâng lên. Người dân đã chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe bằng các phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, giác hơi…

Thúc đẩy phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo tồn dược liệu bằng cách nào?- Ảnh 2.

Cần xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến.

Để bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hơn nữa, các chuyên gia cho rằng thời gian tới cần phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. 

Mặt khác, tỉnh Bắc Kạn cần phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng, bảo đảm an toàn chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu. 

Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt chế biến dược liệu và các sản phẩm dược liệu.

Đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế để "xuất khẩu" điều dưỡngĐào tạo theo hướng hội nhập quốc tế để 'xuất khẩu' điều dưỡng

SKĐS - Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai mỗi năm đào tạo khoảng 600 chỉ tiêu, tới đây nhà trường sẽ ký kết đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế để có thể 'xuất khẩu' điều dưỡng. Sinh viên theo học chương trình hội nhập sẽ có cơ hội đi học, thực hành tại các cơ sở y tế của Nhật Bản, một số nước phát triển khác.

Nguyễn Nam
Ý kiến của bạn