Ngày 27/10, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số". Hội thảo là nơi trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật thảo luận về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.
Với chủ đề "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số", nội dung Hội thảo tập trung vào 03 chủ đề cơ bản, cụ thể: Tuyền thông trong bối cảnh công nghệ số; Thực trạng vấn đề giới trên báo chí, truyền thông; Một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo (trên các góc độ pháp luật, đạo đức, văn hóa, thực hành…).
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy quyền bình đẳng giới. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
Báo cáo phát triển con người năm 2021 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, chỉ số Phát triển con người của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 và có sự cải thiện về thứ hạng so với những năm trước. Chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. GII của Việt Nam năm 2021 đạt 0,296, xếp hạng 71 trong 170 quốc gia. Mặc dù vậy theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo khu vực công cũng như doanh nghiệp vẫn còn thấp và chậm cải thiện, tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực cao, khoảng cách thu nhập giữa nam giới và phụ nữ lớn…
Phát biểu tại Hội thảo, TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định rằng, báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.
Ths. Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cũng đã nhấn mạnh tác động của công nghệ số với hiệu quả truyền thông bình đẳng giới. Các nghiên cứu của UNDP, UN Women, các chương trình "nhặt sạn giới trên truyền thông" của CSAGA cho thấy vẫn còn nhiều sản phẩm truyền thông thiếu nhạy cảm giới. Các sản phẩm ấy tồn tại trên các loại hình báo chí, thể hiện qua cách đặt tít bài, nội dung, thông điệp truyền thông, cách xây dựng nhân vật… Thực trạng này góp phần củng cố các định kiến giới, dẫn đến chậm cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới.
Tại hội thảo, đã có hơn 80 đề xuất viết bài đến từ: Nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông.... được gửi đến Hội thảo. Qua quá trình phản biện, Ban Tổ chức đã lựa chọn và thông qua 37 tham luận đạt chất lượng, chuẩn về tính khoa học, tính lý luận và giá trị thực tiễn, được chọn in trên Kỷ yếu khoa học có chỉ số ISBN (International Standard Book Number - Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách).
Hội thảo Khoa học lần này được xem là một diễn đàn khoa học có ý nghĩa đặc biệt trong việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Các chuyên gia nhấn mạnh, báo chí, truyền thông cũng cần tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp về chính sách, về thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần loại bỏ bất bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.
7 mẹo đơn giản giúp bạn trẻ hơn so với tuổi thật