Ăn uống thể hiện một nét văn hóa truyền thống và khoa học của mỗi con người, mỗi quốc gia và dân tộc. Ăn uống giúp con người thư giãn, thoải mái, gần gũi với nhau, chia sẻ và quan tâm tới nhau hơn. Ngày nay, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, bữa ăn gia đình thường xuyên thiếu vắng các thành viên sẽ là nguy cơ tan rã hạnh phúc gia đình.
Bữa ăn gia đình là cơ hội cho mọi người tâm sự để hiểu nhau hơn, chia sẻ những nỗi buồn vui trong công việc, những vấn đề trong gia đình và trong cuộc sống.
Hiện nay, theo xu hướng của các nước phát triển, các nước đang phát triển, của thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, vì vậy bữa ăn của nhiều người cũng bị cuốn hút theo các loại thực phẩm công nghiệp, “thức ăn nhanh”. Ở các nước phát triển, với sức ép của thời gian, của công việc, người ta sử dụng nhiều thức ăn nhanh.
Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn được dùng cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, thậm chí cho cả trẻ em; những sản phẩm được quy định rõ ràng cho từng độ tuổi. Thực phẩm được ghi nhãn mác rất rõ ràng về thành phần dinh dưỡng, được dùng cho đối tượng nào, nơi sản xuất và hạn sử dụng,...
(VD: thức ăn dùng cho trẻ mấy tháng, ngày ăn mấy bữa (mấy lọ),…thức ăn có chứa lượng cholesterol là bao nhiêu và người trưởng thành ăn bao nhiêu cholesterol thích hợp…).
Đồng thời, ở các nước phát triển, người dân hoạt động thể lực nhiều như: thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng, đi bộ, chơi thể thao, đi du lịch,… để hạn chế tình trạng béo phì. Mặc dù vậy, tình trạng béo phì vẫn rất cao và đó là hệ quả tất yếu của nước phát triển.
Việt Nam là một nước đang phát triển, các bệnh mạn tính không lây đang có xu hướng gia tăng: béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, các bệnh rối loạn chuyển hóa,… Một số người đang có xu hướng thay đổi từ thói quen văn hóa món cơm cặp lồng (cơm nhà), ăn cơm bụi sang bữa ăn nhanh (fast food).
Nói đến “ăn nhanh” tức là ăn tranh thủ, ăn qua loa, để tranh thủ thời gian, bữa ăn làm sao có được cái cảm giác về hương vị, mùi vị và thú vị để thưởng thức như “giá trị” đích thực của thực phẩm mang lại. Mặc dù vậy, giới trẻ hiện nay thậm chí một số người lớn tuổi đang có xu hướng sử dụng thức ăn nhanh. Việc sử dụng thức ăn nhanh đôi khi không phải do quá bận rộn, mà do sở thích và thị hiếu. Các món thức ăn nhanh mà người ta đang sử dụng thường thiếu và thừa một số chất dinh dưỡng.
Mỗi sản phẩm của thức ăn nhanh cần được hướng dẫn một cách rõ ràng, tỉ mỉ, cụ thể với từng lứa tuổi, từng tình trạng cơ thể và thể loại bệnh cho người sử dụng, tránh tình trạng thông tin về sản phẩm nói chung chung (ví dụ: một người bị đái tháo đường, bị rối loạn chuyển hóa lipid máu hạn chế ăn mì tôm. Vì mì tôm nhiều chất béo, chất béo dạng trans, nếu sử dụng gói mỡ có sẵn ở gói mì sẽ không tốt cho sức khỏe...).
Mặc khác về tiêu chuẩn, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn nhanh có đảm bảo theo chuẩn mực quy định, kiểm tra và giám sát sản phẩm hay không? Sản phẩm thức ăn nhanh không đảm bảo an toàn với sức khỏe, được thể hiện qua các vụ ngộ độc, thậm chí có những vụ ngộ độc lớn xảy ra ở những bếp ăn tập thể, riêng những vụ ngộ độc cá thể, không thể đánh giá và thống kê được.
Thức ăn nhanh (fast food) thường số loại thực phẩm ít và phải trải qua chế biến công nghiệp nên thiếu thành phần các chất, vi lượng và chất khoáng. Do đó fast food thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng, chưa kể đến vấn đề không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào không được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ chứa đựng không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.
Nói như vậy, không có nghĩa là ta phủ nhận mặt tốt và tích cực của thức ăn nhanh đem lại với từng cá thể cụ thể, tùy theo điều kiện thời gian, tùy công việc,… Việc sử dụng các thức ăn nhanh làm sao cho phù hợp mỗi người, vừa đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng và phù hợp với sức khỏe điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào người tiêu dùng “thông thái”.
Về các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm thức ăn nhanh cần tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm: chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh thực phẩm nơi sản xuất, sức khỏe người sản xuất sản phẩm, quy định về nhãn mác,… Các nhà sản xuất cần có tâm với sản phẩm do chính mình tạo ra, đừng vì lợi nhuận mà tạo ra sản phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng.
Người ta nói “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” có nghĩa là từ miệng mà sinh ra họa hay phúc. Ăn thế nào để có sức khỏe, để làm việc và cống hiến cho xã hội là không đơn giản và rất khoa học. Người tiêu dùng muốn sử dụng thức ăn nhanh để tiết kiệm thời gian và có sức khỏe cần phải biết rõ các thông tin về sản phẩm mình dùng đủ cái gì, thừa cái gì và thiếu cái gì; từ đó mới biết nên ăn bổ sung thêm thực phẩm nào để đảm bảo các chất dinh dưỡng cung cấp đủ nhu cầu của cơ thể.
Nếu vì điều kiện không thể không sử dụng thức ăn nhanh thì tùy loại sản phẩm mà có thể bổ sung thêm rau xanh, chất đạm,… Một số thức ăn nhanh quá nhiều đạm, nhiều chất béo khi sử dụng nên hạn chế. Sau khi ăn thức ăn nhanh nên sử dụng thêm hoa quả tươi, sinh tố.
Vì sức khỏe của bản thân, của gia đình, của cộng đồng và xã hội chúng ta hãy hạn chế sử dụng các bữa ăn nhanh. Hãy tận dụng mọi cơ hội, điều kiện và thời gian trong điều kiện cho phép để duy trì bữa ăn gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân và giữ gìn hạnh phúc gia đình.