Bữa ăn nhanh thường không đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, không cân đối về khẩu phần. Nếu kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, có thể dẫn tới các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng mỡ máu, cao huyết áp...
Sở thích của giới trẻ hiện nay là sự hiện đại, thời trang, đặc biệt là nhanh và tốc độ. Để thỏa mãn một trong những sở thích đó là thức ăn nhanh, món ăn này hấp dẫn giới trẻ ở sự tiện lợi, mùi vị, màu sắc hấp dẫn, đơn giản ở mọi lúc, mọi nơi và đặc biệt là không mất nhiều thời gian.
Hiểm họa khi sử dụng thức ăn nhanh
Ăn đồ ăn nhanh đang là xu hướng của giới trẻ tại các thành thị, họ quan niệm đó là phong cách sành điệu, thể hiện lối sống hiện đại. Vì vậy, bữa ăn ngày càng được tối giản.
Các bạn trẻ chưa thấy mặt trái của thức ăn nhanh là “ăn nhanh, thấm bệnh từ từ”. Bữa ăn nhanh thường không đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, bữa ăn không cân đối về khẩu phần nếu kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Thức ăn nhanh có thể có một số chất độc hại được sinh ra trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Thức ăn nhanh thường không cân đối về các chất dinh dưỡng, nó chứa nhiều calo, nhiều chất béo, nhiều đạm, thiếu vitamin và khoáng chất nên khả năng gây béo phì cho những ai có xu hướng lạm dụng chúng là rất cao.
Các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thức ăn nhanh và nước ngọt có gas, soda…thường xuyên sẽ không tốt cho chức năng gan; là nguyên nhân của căn bệnh mạn tính không lây.
Không chỉ cung cấp nhiều chất béo và cholesterol, nhiều loại thức ăn nhanh có chỉ số đường huyết cao (chỉ số chuyển hóa carbonhydrat thành glucose đưa vào máu), như các loại bánh được làm từ bột mỳ trắng, khoai tây chiên, các loại nước ngọt có gas. Các loại thức ăn này sẽ làm lượng đường trong máu tăng nhanh, khiến tuyến tụy phải tiết Insulin để giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng, do tuyến tụy luôn phải hoạt động quá nhiều sẽ bị suy giảm chức năng và dễ dẫn đến đái tháo đường type 2. Bệnh này trước đây chỉ gặp ở người lớn, nay đã gặp ở trẻ em; những trẻ em thừa cân, béo phì thường có nguy cơ mắc cao hơn.
Một số loại thực phẩm công nghiệp như thịt nguội, thịt xông khói, lạp xưởng, gà rán… đều có chứa hàm lượng muối cao và chất bảo quản. Nếu sử dụng thường xuyên có thể đưa vào cơ thể lượng muối và chất bảo quản nhiều, dẫn đến có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp động mạch.
Hiện nay, một số món ăn nhanh khá phổ biến là “mì, bún, phở ăn liền”, thành phần dinh dưỡng của loại thức ăn này chủ yếu là chất bột còn chất đạm, chất béo, vitamin đều rất thấp. Những người thường xuyên dùng thực phẩm này trong thời gian dài có tới 60% bị mắc các chứng bệnh thiếu dinh dưỡng, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là 54%, thiếu vitamin B2 là 23%, thiếu kẽm là 16% và thiếu vitamin A là 29%.
Thức ăn nhanh thường chứa chất béo bão hòa triglyceride (loại chất béo xấu), làm tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Mặt khác có một loại acid béo (trans fat) sinh ra trong quá trình chế biến tạo vị giòn, ngon; đều ảnh hưởng xấu tới chức năng hệ tim mạch, chức năng tuyến tụy làm tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường.
Để có bữa ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng
Các món ăn nhanh thường đơn giản, đơn điệu về chủng loại thực phẩm, vì thế bữa ăn không đa dạng các loại thực phẩm. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng) và phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm khác nhau hàng ngày. Trong thức ăn nhanh, thực phẩm có số lượng ít, lại qua chế biến công nghiệp, nên thiếu các thành phần vi lượng và chất khoáng. Do đó, thức ăn nhanh thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng. Chưa kể đến vấn đề không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào không được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ chứa đựng thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.
Vì vậy, khi sử dụng thức ăn nhanh tùy theo chủng loại (thức ăn nhanh giàu đạm, giàu tinh bột, nhiều béo, nhiều muối) mà ta lựa chọn các thực phẩm bổ sung thêm vào trong bữa ăn như: bổ sung thêm đạm hoặc rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ (theo khuyến cáo lượng rau xanh và hoa quả tiêu thụ ít nhất 400g/người/trưởng thành, đồng thời nó giúp thải bỏ lượng mỡ dư thừa), bỏ bớt muối để món ăn nhạt hơn.
Để tiêu hao năng lượng và các chất dinh dưỡng, tránh dư thừa phòng chống thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây thì chúng ta cần thường xuyên vận động thể lực, đều đặn hàng ngày. Thời gian vận động thể lực khoảng 60 phút/ngày. Các môn thể thao giúp cải thiện và duy trì sức khỏe như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bơi, nhẩy dây, lắc vòng, chạy, đi bộ, làm việc nhà… tùy theo nhu cầu và sở thích của mỗi người.