Máu do huyết tương, huyết cầu, nước tạo thành. Huyết tương có 3 chức năng lớn là nuôi dưỡng, vận chuyển và miễn dịch. Huyết cầu bao gồm 3 loại tế bào là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Chúng đều đến từ nguồn tế bào gốc trong tủy xương. Hồng cầu là một loại tế bào với số lượng nhiều nhất trong máu. Chủ yếu có chứa hemoglobin (protein sắt), theo đó làm cho máu mang màu đỏ. Bạch cầu là những “vệ sĩ” trong cơ thể, là quân chủ lực đề kháng với “kẻ ngoại xâm” (chẳng hạn vi khuẩn…).
Biểu hiện lâm sàng chính của thiếu máu: chóng mặt, mất sức, hồi hộp, thở ngắn, sắc mặt trắng nhạt; kèm có xuất huyết thì biểu hiện: xuất huyết dưới da, bầm tím, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ ra kinh quá kinh và phát sốt…
Thiếu máu thường gặp gồm 2 loại lớn:
Thiếu máu do dinh dưỡng: do hấp thu chất dinh dưỡng nào đó không đủ mà gây ra thiếu máu. Chủ yếu gồm thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu hồng cầu to.
Thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu: do rối loạn tổ chức tạo máu trong tủy xương gây ra thiếu máu.
Thiếu máu do thiếu sắt là gì?
Thiếu máu do thiếu sắt là một loại thiếu máu thường gặp, hemoglobin và hồng cầu trong máu giảm, thuộc loại thiếu máu nhược sắc, thường gặp ở trẻ sơ sinh, thiếu nữ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai.
Triệu chứng gồm: hồi hộp, lo sợ, mất ngủ, sắc mặt trắng nhạt, da khô, lông tóc rơi rụng, móng phẳng…
Nguyên nhân chính là do thiếu sắt gây ra.
- Trong ăn uống không hấp thu.
- Mất máu quá nhiều, như: kinh nguyệt quá nhiều, trĩ ra máu…
- Rối loạn hấp thu sắt, như: viêm dạ dày mạn tính, phẫu thuật dạ dày…
Thiếu máu hồng cầu to là gì?
Thiếu máu hồng cầu to còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng, thiếu máu nghiêm trọng hơn, sự suy giảm hồng cầu thấy rõ hơn so với sự suy giảm hemoglobin. Chủ yếu do thiếu vitamin B12 hoặc axít folic gây ra. Gặp nhiều ở trẻ nhỏ, phụ nữ thời kỳ mang thai và cho con bú.
Biểu hiện lâm sàng gồm: triệu chứng hồng cầu to tăng nhiều, hấp thu kém, tiêu chảy, viêm lưỡi, viêm thần kinh ngoại biên.
Thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu là gì?
Thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu do tế bào gốc tủy xương bị tổn thương, dẫn đến toàn bộ hay một phần chức năng tạo máu suy giảm, với triệu chứng chính là giảm toàn bộ tế bào máu. Biểu hiện lâm sàng là thiếu máu tiến triển, xuất huyết, bội nhiễm và giảm tế bào máu toàn bộ. Bệnh gặp nhiều ở người trẻ tuổi. Những nguyên nhân gây bệnh như sau:
Nhân tố hóa học: tiếp xúc benzen, kim loại nặng, sulfamide, kháng sinh (Chloramphenicol), thuốc an thần (Barbital)…
Nhân tố vật lý: tia phóng xạ như tia X, chất đồng vị phóng xạ…
Nhân tố khác: khối u ác tính, suy thận mạn tính, xơ gan…
Người bệnh thiếu máu do rối loạn chức phận tạo máu về mặt ăn uống cần chú ý tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng bản thân.
Có những nguyên tắc điều trị dinh dưỡng của bệnh thiếu máu?
Ăn uống giàu đạm: protein là nguyên liệu tạo ra hemoglobin, nên chú ý bổ sung từ bữa ăn, hàng ngày mỗi kilôgam cân nặng cần 1,5g protein. Có thể chọn dùng thức ăn chứa đạm tốt như: gan động vật, thịt nạc, trứng, sữa và chế phẩm đậu.
Tăng lượng cung cấp chất sắt: sắt là thành phần chính tạo ra hemoglobin. Ngoài số lượng ra, còn phải chú ý về chủng loại. Sắt trong thực phẩm động vật dễ hấp thu hơn, chẳng hạn như: thịt nạc, nội tạng (gan), lòng đỏ trứng… Sắt trong thực phẩm thực vật tỉ lệ hấp thu kém hơn. Người ta còn khuyến cáo dùng vật dụng nấu nướng bằng sắt sẽ có ích hơn.
Ngoài ra, cần giảm những nhân tố ảnh hưởng việc hấp thu sắt, ít dùng bó xôi và củ niễng… vì có chứa axít oxalic.
Tăng cung cấp vitamin C. Vitamin C có tác dụng thúc đẩy hấp thu sắt, có thể tăng tỉ lệ hấp thu gấp 5 -10 lần. Rau cải và trái cây tươi chứa nhiều vitamin C, khi cần thiết có thể bổ sung viên vitamin C.
Tăng cung cấp vitamin B12: nội tạng động vật (gan, cật), thịt nạc, đậu xị (đậu nành chế muối), đậu tương… đều là nguồn cung chính vitamin B12.
Tăng hấp thu axít folic: rau lá màu xanh là nguồn chính của axít folic, tương tự như vitamin C khi gặp nhiệt dễ bị phá hỏng, còn nên chú ý phương pháp chế biến, cố gắng giảm mất mát.
Sắp xếp bữa ăn cho người bệnh thiếu máu như thế nào?
Bữa ăn hàng ngày có thức ăn động vật và thức ăn thực vật bổ sung lẫn nhau
- Phối hợp “chay” và “mặn”, dinh dưỡng hợp lý. Bữa ăn hàng ngày có chay có mặn, làm cho thức ăn động vật và thức ăn thực vật bổ sung lẫn nhau.
- Ăn nhiều rau cải và trái cây tươi, có chứa nhiều vitamin C, trái cây tốt nhất dùng sau bữa ăn, có ích cho việc hấp thu sắt.
- Ăn ít, chia nhiều bữa, cố gắng đảm bảo việc cung cấp dinh dưỡng, đối với người bệnh chán ăn càng nên như vậy.
Những thức ăn nào giúp bổ máu?
Thiếu máu thuộc phạm trù huyết hư trong Đông y. Điều trị với ích khí bổ huyết là chính. Thức ăn và thuốc có tác dụng bổ huyết gồm: long nhãn, gan heo, đại táo, nấm mèo đen (hắc mộc nhĩ), đương quy, a giao, địa hoàng, hà thủ ô, tang thầm…
LY.DS. BÀNG CẨM