Tuy nhiên, việc xử phạt các cơ sở này rất khó khăn, có quận kiểm tra đến 200 cơ sở nhưng không xử phạt được cơ sở nào...
Gần 20% cơ sở thức ăn đường phố chưa đạt ATTP
Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Ngộ độc thực phẩm, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới cũng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là quản lý ATTP tại các cơ sở này không hề dễ dàng. Theo thống kê của Cục ATTP, năm 2016, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên toàn quốc thì 3,2 - 5,7% tổng số vụ là do thức ăn đường phố.
Điều đáng cảnh báo nữa là bộ phận rất lớn người dân vẫn có thói quen dễ dãi khi lựa chọn các cơ sở thức ăn đường phố. Thậm chí khi kiểm tra một quán phở ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội), chỉ nhìn bằng mắt thường, cảm quan đã thấy không đảm bảo ATTP nhưng khách ăn uống vẫn rất đông.
Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra là do thức ăn đường phố. Ảnh: TM
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố có trên 5.200 cơ sở thức ăn đường phố, trên 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, quản lý ATTP đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố là nội dung trọng tâm trong công tác ATTP của TP. Hà Nội trong suốt những năm qua, nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 99% cơ sở thức ăn đường phố ở Hà Nội đã ký cam kết đảm bảo ATTP.
Dù vậy, gần 20% cơ sở thức ăn đường phố chưa đạt ATTP vẫn là con số gây trăn trở rất lớn. Qua kiểm tra, giám sát, có hơn 80% cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí ATTP, khoảng gần 20% số cơ sở chưa đạt. Vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chậm thay thế trang thiết bị dụng cụ cũ hỏng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ sở vật chất dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chật hẹp, vệ sinh mặt nền chưa gọn sạch, trang thiết bị dụng cụ chưa thay thế kịp thời, lấn chiếm vỉa hè, cơ sở ăn uống tại các chợ cóc chợ tạm thực hành vệ sinh không đảm bảo... chưa kể đến việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nêu rõ, có nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi chưa quyết liệt xử lý vi phạm.
Phân cấp quản lý về ATTP triệt để hơn nữa
Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, từ thực tiễn kiểm tra ATVSTP, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, qua giám sát và kiểm tra cho thấy, các quận huyện, xã phường đều ra quân kiểm tra rất tích cực. “Thế nhưng, có những quận, phường đã ra quân kiểm tra đến 200 cơ sở, phát hiện tới 40% số cơ sở vi phạm, song không xử phạt được cơ sở nào. Lý do được đưa ra là các cơ sở thức ăn đường phố chủ yếu là cơ sở nhỏ, tạm bợ, rồi tâm lý ở địa phương còn có sự thân quen, nể nang” - ông Trần Ngọc Tụ cho biết.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết thêm, khó khăn nữa trong kiểm tra ATTP với các cơ sở thức ăn đường phố là nhiều cơ sở thường xuyên lưu động và đặc biệt ở các khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang... thường có nhiều quán ăn bình dân không đảm bảo VSATTP.
Hiện tại, UBND TP. Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, trong đó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 tuần 1 lần, Phó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần 1 tuần…
Tuy vậy, từ thực tiễn ở cơ sở, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng phần lớn các phường giao nhiệm vụ đảm bảo ATTP cho trạm y tế phường nên dễ dẫn tới quá tải.
Mặt khác, thực tế có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ như quán trà sữa, cháo dinh dưỡng nhưng đứng tên công ty và do thành phố cấp giấy chứng nhận kinh doanh nên ở cấp xã phường, quận huyện khó vào kiểm tra kịp thời. Do vậy, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy kiến nghị thành phố cần hướng dẫn phân cấp quản lý về ATTP triệt để hơn nữa.
Để tăng cường quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trong thời gian tới, đại diện Chi cục ATVSTP đề nghị các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Quy hoạch, nhân rộng thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tuyến phố văn minh, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở thức ăn đường phố bày bán không đúng địa điểm được phép bán hàng, thức ăn đường phố tại chợ cóc chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo ATTP.