Thức ăn đường phố là thủ phạm

08-04-2014 22:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ trong vòng 1 tuần qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục người phải nhập viện.

Chỉ trong vòng 1 tuần qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục người phải nhập viện. Điều đáng nói, nguyên nhân gây ra ngộ độc đều do một “thủ phạm” là thức ăn đường phố (TAĐP). Thực trạng này khiến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phải gửi công văn cho ngành y tế các địa phương đề nghị tăng cường lấy mẫu thực phẩm, đặc biệt là TAĐP để kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (ATTP).

Nhập viện vì TAĐP

Ngày 4/4, gần 30 người dân sống xung quanh khu vực Thái Phiên, phường 12, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phải nhập Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cấp cứu trong tình trạng đau đầu, nôn ói, đau bụng dữ dội, tiêu chảy và sốt cao sau khi ăn bánh mỳ của một xe bán bánh mỳ trên đường phố gần chợ Thái Phiên. Theo ngành chức năng TP. Đà Lạt, xe bánh mỳ Kh.K. do bà Hoàng Thị Thu Trang ở phường 2, TP. Đà Lạt làm chủ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, bà Trang không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận ATVSTP. Ngành y tế Đà Lạt đã lấy mẫu bánh mỳ, bệnh phẩm và yêu cầu bà Trang tạm ngừng kinh doanh để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Bệnh nhân ngộ độc được cấp cứu tại BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: TTX

Bệnh nhân ngộ độc được cấp cứu tại BVĐK Lâm Đồng. Ảnh: TTX

Trước đó, 14 học sinh ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cũng phải vào Bệnh viện Sản Nhi Đồng Nai cấp cứu sau khi ăn bánh tráng trộn bán rong trước cổng trường với các dấu hiệu đau bụng, buồn nôn dữ dội.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do TAĐP bởi theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2006 - 2012, việc kinh doanh thức ăn không bảo đảm ATTP vẫn còn diễn ra khá phổ biến, tỷ lệ các vụ ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân do TAÐP chiếm từ 3,2 - 5,7% tổng số vụ ngộ độc được ghi nhận mỗi năm. Kết quả giám sát 12.295 mẫu về ATTP năm 2012, do các chi cục ATTP thực hiện cho thấy: mẫu bánh cuốn, bánh tẻ, bánh phở, giò chả, nem, kem, nước đá bị ô nhiễm bào tử nấm mốc vượt quy định từ 40 - 41,7% số mẫu; nhiễm Coliforms là 11,7 - 62,7%; nhiễm E.Coli là 6 - 34,2%; phẩm màu công nghiệp 0,4 - 0,7%; độ ôi khét là 30,3% và có hàn the là 10,1 - 15,4% số mẫu kiểm nghiệm.

Cần phải xử lý nghiêm việc không chấp hành các quy định về kinh doanh TAĐP

Theo ghi nhận của phóng viên báo SK&ĐS ngày 8/4 tại một số tuyến đường ở Hà Nội như Giảng Võ, Cát Linh, Trần Huy Liệu, Trung Kính, Nguyễn Khang, Phủ Doãn, Quán Sứ..., vào giờ cao điểm ăn sáng, ăn trưa, các cửa hàng bún đậu mắm tôm vỉa hè, gánh bún - bánh đa cua bán rong, hàng cháo lòng - tiết canh... luôn đông đúc người ăn, trong khi người bán hàng thì vô tư dùng tay bốc thực phẩm, lau bát... mà không hề đeo găng tay hay có dụng cụ bảo vệ, che đậy thực phẩm. Theo đánh giá của Cục An toàn thực phẩm, kinh doanh TAÐP rất phổ biến ở Việt Nam. Lợi ích của TAÐP là thuận tiện cho người tiêu dùng, giá rẻ, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu ăn nhanh, uống nhanh, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, theo TS. Lâm Đức Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm: TAÐP cũng tiềm ẩn nguy cơ cao như không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, nơi bán hàng gần khu công cộng như đường phố, bến tàu xe, bệnh viện dễ ô nhiễm có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh và ảnh hưởng đến an sinh xã hội, giao thông, môi trường, mỹ quan đô thị.

Từ thực tế của công tác thanh, kiểm tra về ATTP trên địa bàn Hà Nội - nơi mà TAÐP có tại mọi ngõ ngách, mọi nẻo đường, ông Lê Đức Thọ - Chi Cục trưởng Chi cục VSATTP Hà Nội cho rằng, các cơ sở TAÐP thường thay đổi địa điểm, vị trí nên khó quản lý; tổ chức khám sức khỏe cho người chế biến, kinh doanh TAĐP còn nhiều hạn chế trong nhận thức về các quy định pháp luật ATTP...

Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế quy định người bán TAÐP phải tập huấn kiến thức ATVSTP và khám sức khỏe. Không ít địa phương miễn phí hoàn toàn kinh phí tập huấn về ATTP và khám sức khỏe cho người kinh doanh TAÐP, thậm chí còn cấp miễn phí găng tay, tạp dề, dụng cụ gắp thức ăn, giỏ rác... thế nhưng nhiều người bán hàng đẩy, hàng rong cố tình không tập huấn, không khám sức khỏe; không dùng găng tay, không sử dụng đồ gắp... Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2014 (từ ngày 15/4 - 15/5) được Bộ Y tế đưa ra với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”. Nhân đây, thiết nghĩ cần phải đưa loại hình kinh doanh TAĐP vào khuôn khổ. Cần xử phạt người bán hàng đẩy, hàng rong cố tình vi phạm các điều kiện ATVSTP, bởi khi người bán TAĐP không chấp hành các quy định của Nhà nước về điều kiện ATVSTP tức họ xem thường sức khỏe của người sử dụng thức ăn do chính họ chế biến, kinh doanh, cứ như thế thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm mãi chực chờ xảy ra.

Nguyễn Hoàng

 


Ý kiến của bạn