1. Người bệnh viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản nên tránh thức ăn cay
Theo ThS. BS Nguyễn Tấn Phúc, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá, viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, có những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc, gây ra những cơn đau bụng vùng thượng vị dữ dội hoặc âm ỉ, cồn cào, nóng rát, khó tiêu hoặc ợ hơi, ợ chua, buồn nôn…
Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như: tỏi, ớt, rượu bia, đồ ăn nhiều chất béo gây khó tiêu, thực phẩm gây đầy hơi chướng bụng…
Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng xảy ra khi một phần axit trong dạ dày trào lên thực quản gây các triệu chứng khó chịu như: cảm giác nóng rát ở giữa ngực, ợ chua, có thể kèm theo một số biểu hiện khác như: buồn nôn, khó nuốt, khàn tiếng, ho…
Để điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Chế độ ăn trong bệnh dạ dày nhằm mục đích làm giảm tiết axit, giảm tác dụng của axit dạ dày tiết ra lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.
Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa, ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, tránh các chất kích thích, gia vị mạnh…
Người bị đau dạ dày cần tránh ăn các loại thức ăn dễ gây kích ứng. Khi dạ dày đang bị tổn thương, có những vết loét, nếu ăn thức ăn dễ gây kích ứng như thức ăn cay, nóng thì có thể làm cho tình trạng đau thêm trầm trọng hơn.
2. Thức ăn cay gây kích ứng đường tiêu hóa
Nghiên cứu cho thấy, đồ ăn cay phổ biến sử dụng ớt cay chứa một hợp chất hóa học gọi là capsaicin. Capsaicin kích hoạt một thụ thể cảm giác đau gửi tín hiệu đến não mà chúng ta cảm nhận được là cơn đau rát, gây ra cảm giác bỏng rát trong miệng, da và mắt của nếu bạn vô tình chạm vào mắt sau khi cắt ớt.
Các thụ thể này cũng tồn tại trong dạ dày và ruột. Vì vậy thức ăn có chứa capsaicin gây ra một số kích ứng đối với đường tiêu hóa khi nó được tiêu hóa.
Những người nhạy cảm với thức ăn cay cũng có thể cảm thấy khó chịu ở bụng khí và đầy hơi. Capsaicin cũng có thể gây kích ứng hậu môn khi nó thoát ra khỏi cơ thể. Đó là lý do tại sao một số người đi tiêu đau đớn và thậm chí có cảm giác phân nóng rát sau khi ăn thức ăn cay.
Trong một số trường hợp, thức ăn cay có thể gây kích ứng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược thực quản, đặc biệt nếu người bệnh đang có cơn đau dạ dày.
3. Làm trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản
Ở một số người, ăn thức ăn cay có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của trào ngược axit, một triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản.
Thức ăn cay thường làm tăng thêm thêm sự khó chịu của dạ dày như cảm giác nóng rát và chứng ợ nóng. Capsaicin là nguyên nhân chính gây ra cơn đau, nó liên kết với các dây thần kinh trong miệng, lưỡi và thực quản. Capsaicin cũng có thể làm chậm tốc độ thức ăn thoát ra khỏi dạ dày, khiến thức ăn nằm trong dạ dày lâu hơn. Điều này làm tăng khả năng các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
Vì vậy, nếu bạn cảm thấy triệu chứng trào ngược và khó chịu ở dạ dày tăng khi ăn thức ăn cay, tốt nhất bạn nên tránh những thực phẩm đó.
Những người bị viêm dạ dày nên tránh thức ăn và đồ uống có tính chất: gây kích ứng niêm mạc dạ dày, tăng tình trạng viêm nhiễm, tăng sản xuất axit, làm xói mòn niêm mạc dạ dày, lưu lại trong dạ dày một thời gian dài.
Thực phẩm cay như ớt cay gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Thực phẩm có tính axit cao như cà chua và cam quýt làm tăng sản xuất axit. Thức ăn nhiều chất béo sẽ lưu lại lâu hơn trong dạ dày nên cũng có thể gây viêm. Ăn quá no và ăn quá nhanh cũng có thể khiến tình trạng viêm dạ dày trở nên trầm trọng hơn…
Xem thêm video đang được quan tâm
Thuốc chữa tăng động có thể cải thiện triệu chứng của bệnh Alzheimer