Trước sự việc trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải hoãn cuộc họp giao ban đầu tuần để họp cùng với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế nhằm nắm bắt tình hình và chấn chỉnh trình trạng trên.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo CDC Thừa Thiên – Huế thay đổi cách thức tổ chức đăng ký để người dân được thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo minh bạch, khách quan và phải loại bỏ được các trường hợp ảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc Phụ trách CDC Thừa Thiên Huế , vắc xin dịch vụ hiện rất khan trên thị trường. Hiện tại, đơn vị chỉ nhập về được 1.100 liều nhưng rà soát nắm bắt nhu cầu của các phụ huynh rất lớn. Vì vậy khi triển khai tiêm chủng, đơn vị đã xây dựng kế hoạch từ đăng ký đến rà soát đối tượng có nhu cầu rất cụ thể qua website ở CDC tỉnh. Tiêm dịch vụ nên không có trường hợp ưu tiên. Do số người đến đăng ký hôm nay vượt gấp 3- 4 lần so với lượng vắc xin hiện có nên diễn ra cảnh đông đúc, xáo trộn. PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn chia sẻ: "Tình trạng này chúng tôi đã lường trước nhưng cầu đã vượt quá cung nên không có phương án nào tốt hơn". PGS. Sơn nói.
Người dân Thừa Thiên Huế và một số tỉnh lân cận xếp hàng dài chờ đăng ký vắc xin dịch vụ
Cũng theo lãnh đạo CDC Thừa Thiên Huế sở dĩ tình trạng thiếu hụt vắc xin dịch vụ như hiện này là do tâm lý của các bậc phụ huynh suy nghĩ rằng vắc xin dịch vụ tốt hơn vì phải trả tiền. Mặt khác, thời gian vừa qua trên một số địa phương có xảy ra tình trạng trẻ em có những phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin ComBe Five tại chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) nên nhiều phụ huynh lo ngại. Chính những điều đó khiến cho tỷ lệ tiêm chủng vắc xin dịch vụ ngày càng tăng. Nếu như những năm trước đây tỷ lệ tiêm vắc xin dịch vụ chỉ khoảng 5% thì hiện nay con số đó đã tăng gấp 10 lần. Trong khi đó nhu cầu nhập vắc xin dịch vụ nhập từ Trung ương về địa phương rất hạn chế.
Theo đó, lãnh đạo CDC Thừa Thiên Huế đề xuất lãnh đạo ngành, Bộ Y tế sớm có cơ chế chính sách nhập vắc xin dịch vụ về dồi dào hơn để đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Hiện nay, có hai loại vắc xin dịch vụ là 5 trong 1 Pentaxim của Pháp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc xin 6 trong 1 Infarix nhập từ Bỉ phòng các bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib) đang khan thiếu do nguồn cung nhập từ nước ngoài bị hụt.
Về giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng trên, PGS. Sơn cho biết, trong chiều cùng ngày, đơn vị đã có buổi làm việc với Viettel chi nhánh Thừa Thiên – Huế để đề nghị cung cấp phần mềm đăng ký qua mạng. Ngoài ra, đơn vị này sẽ thành lập tổ tư vấn, tiếp nhận và trợ giúp người dân cách đăng ký qua số điện thoại, dự kiến sẽ triển khai vào đợt đăng ký tiêm vắc xin ngày 25-5 tới.
PGS. Sơn cũng cho hay, không nhất thiết chọn lựa vắc xin dịch vụ tiêm phòng cho trẻ, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng rất tốt và hiệu quả bảo vệ như vắc xin dịch vụ. Chương trình TCMR là chương trình nhân văn do Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho người dân. Điều quan trọng là quy trình khi tiêm chủng phải đúng liều, đúng thời điểm và đúng quy định, sẽ phòng ngừa tốt dịch bệnh.