Số ca đau mắt đỏ tăng cao
Hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành trên cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, qua báo các từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập, từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 16.556 ca đau mắt đỏ.
Tại Khoa Khám bệnh và Trung tâm Mắt (Bệnh viện Trung ương Huế) những ngày qua, số người bệnh đến thăm khám có dấu hiệu đau mắt đỏ tăng cao. Lúc cao điểm, ghi nhận trung bình mỗi ngày có 60-70 bệnh nhân đến khám. Trong đó, chủ yếu là các em học sinh ở cấp tiểu học và mầm non.
Đang ngồi đợi để tới lượt đưa con vào khám, chị Nguyễn Thị Sang (trú phường An Tây, TP. Huế) cho biết, con trai chị năm nay 5 tuổi, đang học mầm non. Mấy ngày qua, mắt cháu có dấu hiệu đỏ và cháu thường xuyên kêu rát, khó chịu nên chị phải cho nghỉ học ở nhà.
"Hai ngày nay, con kêu rát rồi mắt đỏ dần. Để đảm bảo sức khỏe cho con, tôi nghỉ việc để đưa cháu tới Bệnh viện Trung ương Huế khám thay vì mua thuốc tự điều trị ở ngoài", chị Sang nói.
Anh Nguyễn Văn Khánh (trú tại TP. Huế) cho biết, con bị đau mắt đỏ 5 ngày nay, có mua thuốc ngoài để điều trị, dù có giảm nhưng để đảm bảo cho "cửa sổ tâm hồn", anh quyết định đưa con tới bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra, thăm khám cho an tâm.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Mắt Huế, số lượng bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ cũng tăng cao, từ 1/9 đến nay trung bình mỗi ngày có khoảng 31. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đến khám có các dấu hiệu điển hình như đỏ mắt, chảy ghèn, chảy nước mắt, có người bị sốt nhẹ nhưng chưa ghi nhận ca nặng.
BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tại bệnh viện tăng cao. Trong một tháng gần đây bệnh viện khám và điều trị hơn 400 trường hợp. Hiện nay chưa ghi nhận ca trở nặng, nhưng cũng có những ca có để lại di chứng trên giác mạc – viêm giác mạc chấm nông khiến cho mắt nhìn bị mờ, ảnh hưởng thị lực.
"Các trường hợp bệnh nặng trên cần phải được khám và theo dõi sát để tránh giảm thị lực về sau. Để phòng ngừa lây lan bệnh này, cần sát khuẩn, tránh sử dụng tay đưa lên mắt, những trường hợp đã bị cần tách riêng với những người trong gia đình. Đặc biệt, tại các trường học, khi phát hiện ca nghi ngờ cần cho các em tạm không đến trường để tránh lây lan ra cộng đồng", BS.CKII Phạm Như Vĩnh Tuyên chia sẻ.
Khuyến cáo quan trọng
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus gây ra, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…
Đây là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
"Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc thì hậu quả sẽ lớn hơn", lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế nói.
Để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân không chủ quan, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang.
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
Không để bệnh đau mắt đỏ gia tăng, lan rộng tại các trường học
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở liên quan và các các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.
Theo đó, để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bệnh gia tăng, lan rộng, đặc biệt là tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế; Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, phối hợp, thực hiện tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học.
Thông báo ngay cho Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Các trường học, đặc biệt là trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học phải đảm bảo vệ sinh trường học, thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; Cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên.
Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ cho giáo viên, học sinh và phụ huynh; truyền thông tạo sự đồng thuận của phụ huynh, không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ đã được chỉ định nghỉ học đến trường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những thực phẩm giúp nhanh có sữa sau sinh