Thừa Thiên Huế: Hiệu quả sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

07-10-2023 16:12 | Xã hội

SKĐS - Sau 3 năm triển khai Chương trình 1719 ở Thừa Thiên Huế góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 9.84%.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình 1719) bảo đảm tiến độ đề ra. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương vùng dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực.

Qua đánh giá của Ban Dân tộc, sau 3 năm thực hiện Chương trình 1719, góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 9.84%. Riêng huyện A Lưới giảm 12.08% (giảm từ 52.79% xuống còn 40.71%).

Đầu tư xây dựng 23 công trình đường vào khu sản xuất, đường dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa, 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình hệ thống nước sạch, nâng cấp mở rộng các phòng học, phòng đa chức năng và phụ trợ trường mầm non. Nhiều hoạt động truyền thông dân số, khám sàng lọc bệnh thường gặp cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi được chú trọng thực hiện.

Thừa Thiên Huế: Hiệu quả sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 - Ảnh 1.

Ngành y tế triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi tại địa bàn huyện A Lưới. (Ảnh Xuân Thy).

Chương trình 1719 cũng giải quyết khoảng 60% số hộ di cư tự do, hộ sinh sống trong khu vực bị sạt lở, lũ quét. Thực hiện quy hoạch, xây dựng 2 làng văn hóa các dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới và Nam Đông. Công trình biển tên đường Hồ Chí Minh - Dii tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Các hoạt động gìn giữ, bảo tồn văn hóa các DTTS được phát huy…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu, trong thời gian tới, lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mang tính nền tảng, đặc thù để triển khai thực hiện Chương trình 1719 tại các địa phương đúng tiến độ và đạt hiệu quả.

Thừa Thiên Huế: Hiệu quả sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 - Ảnh 3.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, giám sát kết quả triển khai thực hiện Chương trình 1719. (Ảnh Văn Ba).

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh phân bổ, cân đối nguồn vốn phân bổ giữa các nội dung thành phần, các địa phương theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu và khả năng giải ngân của từng sở, ngành, địa phương. Trong đó, ưu tiên các xã, thôn khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù.

"Các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, triển khai thực hiện các dự án quan trọng cũng như các nội dung hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu…", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Chương trình MTQG 1719 nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở Vĩnh LongChương trình MTQG 1719 nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở Vĩnh Long

SKĐS – Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Vĩnh Long đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn