Hà Nội

Thừa Thiên Huế chuẩn bị mọi phương án trước nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng

15-08-2023 09:05 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, dự báo dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ còn tăng cao, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Do đó, người dân cần tích cực và chủ động thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng chống.

Sở Y tế Thừa Thiên Huế, cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 7, toàn tỉnh ghi nhận 154 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 335 ca so với cùng kỳ năm 2022 và không có trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 7, toàn tỉnh có 36 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2 ca so với tháng 6/2023. Ca mắc tập trung chủ yếu tại huyện Nam Đông (12 ca), Quảng Điền (7 ca), Phú Vang (6 ca) và Phú Lộc (6 ca).

Tại huyện Nam Đông ghi nhận số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh trong tháng 7.

BS. Võ Phi Long, Giám đốc TTYT huyện Nam Đông cho biết, ngành y tế đã triển khai các giải pháp để điều trị cho các ca mắc, đồng thời tiến hành tuyên truyền người dân các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Hiện nay tình hình dịch đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên mưa nắng thất thường sẽ tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, ca mắc sốt xuất huyết dễ tăng trở lại, đây là điều đáng lo ngại.

Dự báo tiếp tục gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, khuyến cáo quan trọng của ngành y tế - Ảnh 3.

Đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế kểm tra chỉ số bọ gậy tại nhà dân ở huyện Nam Đông. Ảnh SYT

Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, trong năm 2023 và năm 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết và tay chân miệng. Đây cũng là 2 dịch bệnh truyền nhiễm đang lưu hành và có số ca mắc hàng năm cao nhất tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

"Hiện đang bắt đầu vào mùa cao điểm của dịch bệnh, điều kiện thời tiết mưa, nắng xen kẽ, sự gia tăng giao lưu, đi lại của người dân sau đại dịch COVID-19 thuận lợi cho các loại virus và vector truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, sự tham gia của một số địa phương, ban, ngành và ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch bệnh chưa cao nên dự báo trong thời gian tới dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ còn tăng cao, đặc biệt là những tháng cuối năm", PGS.TS Trần Kiêm Hảo nói.

Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng nhanh trong khi thời gian nhập học sắp đến. Học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố trở lại học tập sau kỳ nghỉ hè sẽ làm gia tăng nguy cơ mang mầm bệnh về làm bùng phát dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng (trong đó lưu ý nhóm nhà trẻ, mẫu giáo và học sinh tiểu học).

Dự báo tiếp tục gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, khuyến cáo quan trọng của ngành y tế - Ảnh 4.

Nhân viên y tế phun hoá chất phòng sốt xuất huyết.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo nhấn mạnh, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế khuyến cáo, mỗi người dân nên tích cực và chủ động thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết như: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.

Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông…

Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Giám sát, xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn chỉ đạo nhằm triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn không để dịch bệnh do muỗi truyền vì hiện tượng ElNino bùng phát, lan rộng.

Theo đó, Sở Y tế được giao nhiệm vụ chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, chỉ đạo việc rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng 5,7 lần, Cục Y tế dự phòng cử chuyên gia hỗ trợ chuyên mônCa mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng 5,7 lần, Cục Y tế dự phòng cử chuyên gia hỗ trợ chuyên môn

SKĐS - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tính đến nay Hà Nội đã ghi nhận 3.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ngứa say khi sốt xuất huyết có nguy hiểm không?



Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn