Thừa sắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

06-09-2024 11:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thừa sắt là một rối loạn trong đó lượng sắt tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Lượng sắt này tích tụ trong khớp, gan, tim, tuyến yên và tuyến tụy làm tổn thương những cơ quan này.

1. Nguyên nhân thừa sắt trong máu

Bệnh thừa sắt được phân làm hai loại: Thừa sắt nguyên phát và thừa sắt thứ phát.

Thừa sắt nguyên phát

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thừa sắt là sự thay đổi gen khiến cho sự hấp thu và loại bỏ sắt ra khỏi cơ thể bị ảnh hưởng. Bệnh thường có tính chất di truyền.

Đột biến chủ yếu gây nên bệnh lý này là đột biến gen lặn HFE (Gen HFE có hai đột biến phổ biến là C282Y và H63D). Vì vậy, nếu người bệnh có cả hai gen lặn này thì sẽ mắc bệnh.

Thừa sắt thứ phát

Thừa sắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Thừa sắt là tình trạng cơ thể tích tụ quá nhiều sắt gây nên những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng thừa sắt thứ phát là do cơ thể chứa quá nhiều sắt hoặc do quá trình thải loại sắt ra khỏi cơ thể bị ảnh hưởng. Cụ thể là:

  • Truyền máu: Các bệnh lý gây ra thiếu máu như bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh hồng cầu hình cầu, tan máu có thể phải truyền máu dài ngày dẫn tới thừa sắt.
  • Suy thận mạn tính: Điều trị suy thận bằng cách sử dụng EPO có thể dẫn tới tăng tạo sắt.
  • Bệnh lý về gan: Xơ gan, viêm gan do rượu có thể ảnh hưởng đến sự thải loại sắt của cơ thể gây tích trữ sắt.

2. Triệu chứng của bệnh thừa sắt

Không phải người bệnh thừa sắt nào cũng biểu hiện thành triệu chứng do sắt sẽ tích tụ trong thời gian dài đến khi hình thành các dấu hiệu trên lâm sàng.

Thừa sắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Mệt mỏi mạn tính là triệu chứng phổ biến nhất của người thừa sắt.

Những người khác có biểu hiện sớm, nhưng không đặc trưng như: mệt mỏi mạn tính (phổ biến nhất), Đau khớp/ viêm khớp, đau bụng, yếu, sụt cân…

Khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây ra tình trạng thay đổi màu da (vàng da, da hơi đỏ hoặc tím tái), bệnh tiểu đường, mất ham muốn tình dục, bất lực, trầm cảm, đau tim, suy tim, gan to, bệnh gan hay xơ gan…

Với trường hợp di truyền, thường không có dấu hiệu thừa sắt ở trẻ sơ sinh cho đến khi lớn lên, thường là trong độ tuổi từ 50–60 ở nam giới và sau 60 tuổi ở phụ nữ. Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng sau mãn kinh, khi họ không còn bị mất sắt do kinh nguyệt và mang thai nữa.

3. Bệnh thừa sắt có lây không?

Bệnh thừa sắt không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Cách điều trị bệnh thừa sắt

Thừa sắt: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Thừa sắt nên kiêng ăn thịt đỏ.

Để điều trị bệnh thừa sắt, hiện nay những phương pháp sau đây được thực hiện phổ biến như:

Lấy máu:

Lấy máu hay còn gọi là phương pháp truyền thải sắt được thực hiện liên tục, được đánh giá là một phương pháp điều trị bệnh thừa sắt an toàn và hiệu quả.

Ban đầu, bệnh nhân được lấy khoảng 470ml máu, lấy một đến hai lần trong tuần.

Sau đó, khi nồng độ sắt của bệnh nhân đã quay về tỷ lệ bình thường, việc lấy máu được thực hiện ít thường xuyên hơn, khoảng sau hai đến bốn tháng hoặc hàng tháng hoặc không phải truyền thải sắt nữa.

Điều trị nội khoa bằng thuốc:

Các thuốc được sử dụng nhằm ngăn ngừa các bệnh lý như bệnh gan, bệnh tim và bệnh tiểu đường.

Thủ thuật mở tĩnh mạch:

Được áp dụng khi bệnh nhân đã mắc phải bệnh gan, bệnh tim và bệnh tiểu đường.

Thay đổi chế độ ăn uống:

Hạn chế lượng sắt đưa vào cơ thể do đó giúp giảm các triệu chứng của bệnh.

Tránh các chất bổ sung có chứa sắt; tránh các chất bổ sung có chứa vitamin C vì vitamin C làm tăng hấp thu sắt; Giảm tiêu thụ các thực phẩm giàu sắt; Tránh ăn cá sống và hải sản; Hạn chế uống rượu vì rượu có thể gây hại cho gan.

5. Phòng ngừa bệnh thừa sắt

Vì sắt không phải là một chất muốn đưa vào cơ thể bao nhiêu cũng được nên những bệnh nhân đã mắc bệnh gan và bệnh tim mạch nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều sắt như: ngũ cốc, đậu đỗ, rau bina, hạt vừng, thịt màu đỏ...

Ngoài ra, những bệnh nhân này không nên bổ sung sắt hay vitamin C hằng ngày. Bệnh nhân tổn thương gan không nên sử dụng đồ uống chứa cồn. Thay vào đó, nên kết hợp các sản phẩm ngăn cản sự hấp thu sắt như sữa, phô mai, sữa chua, trà... Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây chứa nhiều chất xơ để giảm hấp thu sắt.

Thừa sắt trong cơ thể có thể gây tổn thương ganThừa sắt trong cơ thể có thể gây tổn thương gan

SKĐS -Dư thừa sắt trong cơ thể (nhiễm sắt huyết tố) có thể gây tổn thương gan. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể gây tổn thương các khớp, cơ quan và cuối cùng là tử vong.

Những Loại Rau Củ Trợ Giúp Người Bị Táo Bón | SKĐS



BSCKI Nguyễn Như Thịnh
Phụ trách khoa Bệnh máu tổng hợp 1, Trung tâm Huyết học Truyền máu Nghệ An
Ý kiến của bạn