Bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Mới đây, trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo, một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất mở rộng cơ sở thuế thông qua việc bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như: đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn.
Theo Bộ Tài chính, đây là những thức uống gây hại đến sức khỏe của người dân, đặc biệt đồ uống có đường làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì và việc đánh thuế nhằm giúp điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.
Về vấn đề thừa cân, béo phì, theo các chuyên gia dinh dưỡng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì, cơ bản từ góc độ khoa học là do mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào cơ thể và năng lượng tiêu hao. Chế độ ăn không cân bằng dinh dưỡng và thiếu hoạt động thể lực sẽ ảnh hưởng đến tiêu hoá thức ăn và chuyển hoá cơ bản của bản thân, từ đó gây nên tình trạng thừa cân béo phì.
Lối sống ít vận động là một thực trạng đáng lo ngại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em. Một khảo sát tại TP Hồ Chí Minh cho thấy học sinh vận động quá ít, chỉ có 26,1% học sinh THPT tham gia vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày. Có đến 30% học sinh THCS không tập luyện và hoạt động hàng ngày. Tuy "lười" vận động, trẻ em lại dành nhiều thời gian trong ngày chỉ ngồi tĩnh tại, không tiêu hao năng lượng để xem ti vi, chơi game, sử dụng mạng xã hội, …
Song song với thiếu vận động, người có chế độ ăn uống không hợp lý, đưa vào cơ thể quá nhiều calories so với năng lượng được tiêu hao sẽ dễ bị thừa cân béo phì. Trong các chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể, chất béo là một trong những yếu tố hàng đầu gây thừa cân béo phì.
Đáng chú ý, theo thống kê/ nghiên cứu của Viện dinh dưỡng, nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt (≥3 lần/tuần) thấp hơn (lần lượt là 16,1% và 21,6% và 24,6%). Ngoài ra, so với nước ngọt, trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác như bánh kẹo, kem chè …nhiều hơn (51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn)
Giảm thừa cân béo phì: Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Theo các chuyên gia, việc tăng cường giáo dục để thúc đẩy người dân lựa chọn lối sống lành mạnh lại tỏ ra hiệu quả trong việc giảm thừa cân béo phì, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Quốc gia điển hình đã thành công với phương pháp này là Nhật Bản. Mặc dù thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới nhưng Nhật Bản có tỷ lệ béo phì chỉ là 3,5%.
Để giảm thiểu số người thừa cân và mắc bệnh béo phì, chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe "Y tế Nhật Bản thế kỷ 21" với hai bộ luật Shuku Iku và Metabo.
Được đưa vào áp dụng năm 2005, bộ luật Shuku Iku định ra quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học, giảng bài về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật Metabo quy định người lớn từ 40 đến 75 tuổi phải có biện pháp kiểm soát thường xuyên chu vi vòng eo của mình để tránh các bệnh tim mạch (Nam giới dưới 94cm và nữ giới dưới 80cm). Luật cũng yêu cầu các công ty phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.