Thú vui tai hại cần thanh lọc

07-08-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều lễ hội ở nước ta đã hình thành từ rất lâu và là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Nhiều lễ hội ở nước ta đã hình thành từ rất lâu và là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Gìn giữ lễ hội truyền thống cũng là bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy vậy, khi nhìn vào một số lễ hội truyền thống hiện nay, bên cạnh những biểu hiện tích cực, chúng ta cũng không thể chối bỏ được sự thật: có những hủ tục cần được “biên tập” hoặc thẳng tay loại bỏ!

Sự hoan hỉ phản cảm

Gần đây, hiện tượng 250 con cá voi bị “chết oan” ở một vùng biển của Đan Mạch khiến dư luận thế giới không khỏi bàng hoàng. Rất khó tin đây lại là một trong những nghi thức trong lễ hội truyền thống “grindadrap” diễn ra hàng năm của người dân tại quần đảo Faroe. Xác của 250 con cá voi phủ đen cả một vùng biển, những vết chém lớn ngập sâu ở cổ và lườn, máu nhuộm đỏ vùng nước xung quanh. Sử dụng một loạt vũ khí như dao sắc, lao móc, người dân địa phương sát hại cá voi bằng cách cắt vào cổ, đâm vào lườn. Tại đây, việc đánh bắt cá voi không bị cấm song vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Lễ hội đều cần phải điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Rùng mình trước cảnh tượng đáng sợ này, sẽ có không ít người liên hệ với những hủ tục “nhuộm màu đỏ” ở một số lễ hội truyền thống của ta. Tiêu biểu phải kể đến các hiện tượng trong một số lễ hội dân gian như chém lợn, đâm trâu, treo đầu trâu,... Những nghi thức này từng được gọi là tập tục truyền thống nhưng gần đây, khi mạng xã hội bùng nổ thì những hình ảnh “kinh dị” được ghi lại trong các lễ hội cũng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, phần lớn đều tỏ thái độ bức xúc. Những hủ tục này được cho là đang làm méo mó nét văn hóa truyền thống trong các lễ hội, nhất là hiện tượng bạo lực, có phần phản cảm.

Phần lớn giới trẻ ngày nay cảm thấy rất khó chấp nhận sự hoan hỉ của số đông khi chứng kiến cảnh một con lợn bị trói bốn chân đưa ra giữa sân đình để... “hành quyết”. Dù lợn chỉ là vật nuôi, là nguồn thực phẩm không thể thiếu của con người, nhưng với cách giết lợn diễn ra tại một số lễ hội thì quả là... phản cảm. Không ít người xem đã phải rùng mình, nhắm mắt để không phải chứng kiến hành vi được cho là dã man của con người đối với động vật. Nhiều ý kiến cho rằng, dù là tập quán từ ngàn xưa nhưng việc “khai đao” với con lợn dưới góc nhìn của thế hệ trẻ vẫn là điều không nên, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc sống con người đang rất cần hướng đến cái thiện.

Đành rằng lễ hội là một phần đời sống văn hóa và tinh thần của người dân nhưng hoạt động của lễ hội đều cần sự chi phối bởi quy định của pháp luật. Do đó, các cơ quan quản lý không nên buông lỏng việc tổ chức, quản lý lễ hội, luôn phải đảm bảo cho người dân tham gia lễ hội một cách thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm. Những yếu tố ảnh hưởng chung đến đời sống của người dân, các hiện tượng phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không đề cao tính nhân văn cần phải được thanh lọc.

Rũ bỏ cái xấu, giữ cái đẹp

Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý lễ hội 6 tháng đầu năm 2015, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định sẽ nghiên cứu, vận động nhân dân loại bỏ các nghi lễ, hủ tục hiến sinh đập đầu trâu, chém lợn, cướp phết,... ở một số lễ hội địa phương, gây phản cảm, không phù hợp với xã hội văn minh, không thể vì thú vui hoặc thói quen của một cộng đồng nhỏ mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng lớn. Tất nhiên, việc chuyển đổi hình thức của các nghi lễ không phù hợp như thế nào cần được lấy ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa và cả cộng đồng để đạt tới sự đồng thuận.

Thiết nghĩ, những lễ hội còn tồn tại cảnh bạo lực, phản cảm, không phù hợp với đời sống hiện đại ngày nay cần phải được loại bỏ và không nên tái diễn. Ngược lại, những cái hay, cái đẹp cần được giữ gìn và phát huy. Bên cạnh đó, các ban quản lý, tổ chức lễ hội phải xem trọng việc đổi mới mô hình tổ chức để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân. Cũng có thể có nhiều giải pháp tổng thể khác để lễ hội thực sự trở thành nét văn hóa đẹp của thế hệ hôm nay.

Việt Sơn

 

 


Ý kiến của bạn