Ở hầu hết các tỉnh, thành phố, trường học tại Việt Nam đều có các thư viện công với nhiều đầu sách, báo, tạp chí... phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu thông tin, nâng cao kiến thức của người dân. Bên cạnh những thư viện công, nhiều thư viện, tủ sách tư nhân do một người hoặc một nhóm người ở nước ta cũng được thành lập, đầu tư xây dựng và hoạt động theo quy định của pháp luật. Các tủ sách, thư viện tư nhân cũng hướng tới mục tiêu thu thập sách, báo và các dạng tài liệu khác phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, thông tin, nghiên cứu của công chúng ở địa bàn.
Hiện nay chưa có thống kê cụ thể về tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng ở nước ta, tuy nhiên đã có nhiều tủ sách được người dân biết đến. Nổi bật là các tủ sách Dòng họ, Phụ huynh, Lớp em, Lớp học, Hậu phương chiến sĩ và Giáo xứ sự kiện thuộc chương trình “Sách hóa nông thôn” của anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, bền bỉ theo đuổi và phát triển trong khoảng 15 năm qua. Bằng những cách làm thiết thực và nhiệt huyết, 20.000 tủ sách với các loại tủ sách kể trên đã được chương trình “Sách hóa nông thôn” xây dựng tại 27 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những tủ sách này đã giúp hàng trăm nghìn người dân vùng quê, miền núi..., trong đó có khoảng 300.000 học sinh được tiếp cận sách. Từ những người hưởng lợi từ tủ sách, nhiều nông dân, trẻ em đã tự nuôi dưỡng thói quen đọc sách và góp tiền xây dựng tủ sách cho bản thân.
Các em nhỏ đọc sách tại thư viện Dương Liễu (Hà Nội).
Những năm gần đây, một số thư viện cá nhân tại Việt Nam cũng được thành lập và nhiều người biết tới. Hà Nội với thư viện Dương Liễu (xã Dương Liễu, Hoài Đức) do anh Nguyễn Bá Lương thành lập từ năm 2013 là điển hình. Với trên 1.500 đầu sách từ văn học, sách ngoại ngữ, giáo khoa, sách thiếu nhi, tới những cuốn “hạt giống tâm hồn” và truyện tranh... phù hợp với nhiều lứa tuổi từ thiếu niên tới nhi đồng nên thư viện Dương Liễu là địa điểm quen thuộc của các bạn nhỏ tới đọc và mượn sách, truyện mỗi khi có thời gian rảnh. Trung bình, thư viện Dương Liễu mỗi ngày đón khoảng 30 - 40 em nhỏ, cao điểm lên tới 100 em trong xã đến mượn, đọc sách tại thư viện. Trong khi đó tại tỉnh Nghệ An, “Thư viện cây Tùng” của ông Nguyễn Huy Thục ra đời từ năm 2005 ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên cũng thu hút đông đảo người dân quê tìm đến. “Thư viện cây Tùng” có gần vạn cuốn sách với nhiều thể loại, phục vụ nhu cầu của người dân tại các xóm, làng trong xã Hưng Tân và các xã lân cận tìm đọc. Thời gian qua, thư viện này đang ngày càng tăng số lượng lớn sách, báo với đa dạng thể loại nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đọc sách của người dân trong vùng.
Hải Phòng mấy năm trở lại đây nhiều người cũng biết tới tủ sách phục vụ cộng đồng của anh Lê Hải Đoàn (28 tuổi, thị trấn An Lão, huyện An Lão). Hơn 10 năm sưu tầm, tủ sách cá nhân của anh Đoàn hiện có tới 5.000 cuốn với nhiều thể loại khác nhau và nổi bật nhất là bộ sưu tập sách thiếu nhi với nhiều cuốn có phiên bản, ngôn ngữ, các lần tái bản khác nhau như Chú bé người gỗ Pinocchio, Dế mèn phiêu lưu ký, Bác sĩ Ai-bô-lít... Còn lại là các loại sách giáo khoa xưa, sách kỹ năng, văn học, khoa học, tâm lý... cùng một số đầu báo, tạp chí phục vụ nhiều đối tượng độc giả. Trong khi đó tại TP.HCM, thư viện cá nhân của ông Phạm Thế Cường (phường 11, quận Gò Vấp) từ lâu là địa chỉ đỏ của hàng nghìn người dân, sinh viên, học sinh gần xa yêu thích đọc sách. Thư viện của ông Cường thành lập từ năm 2008, sở hữu số lượng sách khổng lồ với hơn 25.000 đầu sách các loại, chiếm nhiều nhất là sách thể loại văn học, khoa học xã hội và phần còn lại là sách kinh tế, khoa học tự nhiên, mỹ thuật... Chỉ hơn 40m2 nhưng bốn vách tường nhà ông Cường được bao phủ bởi 4 kệ sách lớn và vài bộ bàn ghế để cho người dân ngồi đọc sách. Những ai muốn mượn sách về nhà, đọc sách tại thư viện của ông Cường đều hoàn toàn miễn phí.
Các tủ sách, thư viện tư nhân kể trên chỉ là số nhỏ trong rất nhiều tủ sách, thư viện tư nhân đã, đang hình thành và phát triển ở nước ta. Theo thống kê, hiện nay khoảng một triệu người ở nông thôn và đô thị có cơ hội hưởng từ tủ sách. Số lượng sách được mượn đã tăng từ 0,4 - 2 đầu sách/năm lên 10 - 30 đầu sách/năm. Để có được những con số ấn tượng ấy, nhiều người cho rằng có phần đóng góp không nhỏ từ các tủ sách, thư viện cá nhân cùng với hệ thống thư viện công trên cả nước. Hiệu quả lâu dài mà những tủ sách, thư viện ấy đem lại chính là người dân, học sinh cũng như các đối tượng khác ở nông thôn có nhiều cơ hội đọc sách, do đó dân trí được nâng lên và văn hóa đọc vì thế không ngừng phát triển.