BS. Lê Đức Điệp - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện hiện có hơn 900 cán bộ, nhân viên, người lao động. Trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận trên 1.000 lượt người đến khám; số bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 1.100 người, do đó áp lực về rác thải tại bệnh viện vô cùng lớn.
Trong những năm qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí là một trong số các cơ sở y tế tiên phong triển khai các biện pháp quản lý và tái chế chất thải nhựa y tế, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường đáng kể.
Theo Điều dưỡng Chuyên khoa 1 Trương Thị Kiều Oanh - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí, do đặc thù sử dụng vật dụng một lần nhằm đảm bảo an toàn trong y tế, rác thải nhựa từ bệnh viện chiếm tỷ lệ cao. Các loại chất thải phổ biến bao gồm: túi nilon, bao gói vật tư thiết bị y tế, dụng cụ đóng gói thuốc, hóa chất hay kim tiêm, găng tay, chai, lọ thuốc,… Việc xử lý không đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Để giảm thiểu chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa y tế tại bệnh viện, sau khi QCVN:2013/BTNMT được ban hành năm 2013, bệnh viện đã nghiên cứu, liên hệ và được các chuyên gia của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) hỗ trợ, hướng dẫn triển khai việc thực hiện tại bệnh viện. Hiện nay, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã áp dụng công nghệ hấp không đốt để xử lý chất thải nhựa lây nhiễm. Kết quả thử nghiệm của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế đạt tiêu chuẩn chấp thuận.
"Phương pháp này không phát sinh khói bụi, chất khí độc hại, góp phần giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm không khí, đất và nước. Đồng thời chuyển chất thải y tế lây nhiễm thành chất thải thông thường có thể tái chế, hạn chế tối đa rác thải nhựa khó phân hủy, từ đó mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành y tế" - Điều dưỡng Chuyên khoa 1 Trương Thị Kiều Oanh nói.
Thiết bị hấp chất thải lây nhiễm: Xử lý 60 phút với công nghệ hấp ướt. Chất thải nhựa lây nhiễm sau khi hấp trở thành chất thải nhựa thông thường, có thể sử dụng để tái chế thành các sản phẩm khác.
Cũng theo Điều dưỡng Kiều Oanh, trong năm 2023, bệnh viện đã xử lý hơn 45.800kg chất thải y tế, trong đó 23.142kg được tái chế, mang lại lợi nhuận gần 475 triệu đồng. Nhờ phương pháp xử lý bằng hấp, chi phí xử lý được giảm hơn 50% so với việc thuê đơn vị ngoài xử lý toàn bộ chất thải.
Ngoài ra, bệnh viện tổ chức phân loại rác ngay tại nguồn, với các thùng rác được dán nhãn rõ ràng, hạn chế nhầm lẫn. Trên xe tiêm có thùng phân loại riêng, có dán nhãn tránh nhầm lẫn.
Cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền, vận động người bệnh, người nhà người bệnh phân loại thu gom rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng và tái chế các sản phẩm nhựa... Từ đó xây dựng và duy trì thói quen thân thiện với môi trường, góp phần đẩy lùi ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường lành mạnh trong và ngoài bệnh viện.
Tại buổi làm việc với bệnh viện ngày 4/11, BS. Phan Thị Lý - Trưởng phòng Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho rằng, những sáng kiến của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí không chỉ là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh ô nhiễm nhựa toàn cầu, mà còn là cơ sở để các cơ quan chức năng xây dựng chính sách áp dụng rộng rãi. Đây chính là mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế đáng được nhân rộng, góp phần xây dựng hệ thống y tế xanh, bảo vệ môi trường và cộng đồng.
Được biết trước đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Giải pháp được Cục Quản lý Môi trường y tế đánh giá cao và giới thiệu mô hình điểm cho các cơ sở y tế trong nước đến tham quan, học tập, đồng thời báo cáo tại nhiều hội nghị, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm cho các đơn vị khác.