Hà Nội

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn về vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân

01-12-2022 15:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Đạt nhiều kết quả tích cực, đáng mừng trong điều kiện khó khăn

Sáng 1/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 11/2022.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu kết luận Phiên họp. Thủ tướng nhấn mạnh, tháng 11, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; lạm phát toàn cầu cao; nhiều quốc gia tăng lãi suất kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ; nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá; rủi ro tài chính, tiền tệ, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực; một số nền kinh tế có nguy cơ suy thoái...

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ về vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong nước, các cơ quan chức năng thực hiện biện pháp chấn chỉnh một số thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn... để các thị trường hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững, song cũng tác động đến các thị trường này. Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ; tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế từng bước được khắc phục nhưng chưa được xử lý dứt điểm…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xử lý những vấn đề nảy sinh như về thị trường vốn, bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thiếu thuốc, sinh phẩm y tế, xăng dầu... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2022 đạt kết quả rất cơ bản, tích cực, đáng mừng trong điều kiện khó khăn.

Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm là càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ cùng nhau, gánh vác trách nhiệm, hết mình với công việc để hoàn thành nhiệm vụ; phát hiện vấn đề nhanh, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời và hiệu quả.

Tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

Thủ tướng cho biết, dự báo thời gian tới, tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức nhiều hơn do tác động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế được bộc lộ.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan phải bám sát các chủ trương, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; theo dõi, nắm chắc tình hình và kịp thời phản ứng bằng chính sách cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ về vốn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân - Ảnh 2.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết.

Tập trung tổ chức cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm

Thủ tướng đã giao một số nhiệm vụ trọng tâm với từng bộ, ngành, cơ quan. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi sát tình hình để tham mưu về kinh tế vĩ mô và giải ngân đầu tư công; khẩn trương ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch; rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá chính xác tình hình để có mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng việc tăng tín dụng vào đâu, đưa tín dụng vào lĩnh vực, doanh nghiệp nào, tập trung tín dụng vào 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng…

Bộ Tài chính chủ trì xử lý các vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, khẩn trương rà soát, sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp, cùng các cơ quan sửa đổi các thông tư liên quan; Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, sửa đổi các nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội; Bộ Công Thương khắc phục triệt để vấn đề xăng dầu, thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất, không để thiếu lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chú ý bảo đảm an sinh xã hội; Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tập trung tổ chức cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch; Bộ Y tế khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế; phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tiêm chủng cho học sinh đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả; không để dịch chồng dịch; Bộ Công an mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, nhất là trong dịp Tết…

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Chốt lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 và các ngày nghỉ lễ trong nămChốt lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 và các ngày nghỉ lễ trong năm

SKĐS - Lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 và các ngày nghỉ lễ trong năm đã chính thức được quyết định.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ Y Tế: Chuyển đổi số y tế tạo tiện ích cho người dân khi khám chữa bệnh


Lê Bảo
Ý kiến của bạn