Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về tình hình lây lan dịch trong cộng đồng, trong đó có ca nhiễm ở Mê Linh và tình hình thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly trong xã hội cũng những vấn đề liên quan khác đến phòng chống dịch bệnh COVID-19
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tình hình chung của thế giới với khoảng 4 tỷ người đang thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Nhiều quốc gia có những biện pháp nghiêm ngặt để xử lý các hành vi vi phạm.
Thủ tướng nhận xét, thời gian qua, do thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16 nên đã đem lại những kết quả ban đầu, kiểm soát tốt tốc độ lây lan nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn nhiều do đó quan điểm là “không được lơ là, mất cảnh giác” mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 bởi “nỗi lo vẫn còn đó”. “Ai không thực hiện phải xử phạt nghiêm”, Thủ tướng chỉ đạo và tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “không lơ là mất cảnh giác, chủ quan với dịch bệnh COVID-19”.
Kiên định đường lối “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả”
Định hướng các giải pháp chống dịch COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh việc kiên định nguyên tắc chống dịch ngay từ đầu là: “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả” theo từng thời điểm; có thể thay đổi phương thức ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Về ngăn chặn nguồn xâm nhập từ bên ngoài, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục kiểm soát chặt khu vực biên giới; hạn chế, không cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài vào Việt Nam, trừ một số trường hợp đặc biệt; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ trường hợp bảo hộ công dân được phép của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa; tiếp tục khuyến cáo công dân các nước không về nước trước ngày 15/4/2020, trừ một số trường hợp đặc biệt. Với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam, đều thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ công dân phù hợp. Bộ Y tế tăng cường các hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Các địa phương cần chấn chỉnh và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với những biện pháp mạnh mẽ. Đảm bảo huyết mạch hàng hóa lưu thông thông suốt nhưng cần kiểm soát chặt chẽ con người.
Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là Công an xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy định về cách ly toàn xã hội như: không đeo khẩu trang nơi công cộng, không đứng cách xa người khác trong phạm vi 2 mét, ra đường trong trường hợp không cần thiết… Thủ tướng cho biết thời điểm hết cách ly toàn xã hội sẽ thông báo sau trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực tế của các bộ, ngành liên quan sau ngày 15/4.
Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu, rút ra những bài học thành công trong giai đoạn 1; lực lượng Quân đội và các địa phương chuẩn bị sẵn các địa điểm tiến hành cách ly, kịch bản điều hành khu cách ly; tiếp tục huấn luyện cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn để tránh bị động khi tình huống xảy ra. Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách ly cho các đối tượng khác nhau một cách phù hợp dưới sự giám sát chặt chẽ về y tế. Chú ý đảm bảo công tác vệ sinh, an toàn khu cách ly sẵn sàng phục vụ tiếp nhận những đối tượng cách ly khác.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch. Khuyến nghị người dân tăng cường tự khai báo y tế. Các cấp, đặc biệt là ngành y tế tiếp tục phát hiện ca bệnh, tăng cường năng lực xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ với chiến lược phù hợp; không chủ quan trong phán đoán mà cần phát hiện ngay trong cộng đồng để dập dịch kịp thời.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 9/4 Ảnh: VGP/ Quang Hiếu
Chú trọng phòng ngừa lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần nghiên cứu phác đồ điều trị mới nhất, hiệu quả nhất; tập trung huấn luyện chuyên môn cho các tuyến; tập huấn sử dụng máy thở; đảm bảo đầy đủ thuốc men; phòng ngừa dịch xảy ra trên diện rộng; trước mắt tạm dừng xuất khẩu thuốc điều trị COVID-19; có cơ số nhập khẩu cần thiết dược phẩm chuyên sâu để phục vụ công tác điều trị.
Đi liền với đó là tiếp tục thực hiện phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế; chú trọng hơn nữa việc phòng ngừa lây nhiễm trong đội ngũ nhân viên y tế rút kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai; bảo vệ sức khỏe đội ngũ làm nhiệm vụ “trực tiếp chiến đấu” này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị dụng cụ y tế, coi đây là thời cơ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất này; kể cả sản xuất máy thở một cách chủ động hơn sao hình thành một ngành sản xuất máy thở tại Việt Nam bên cạnh sinh phẩm chẩn đoán bệnh. Cùng với đó là mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác quốc tế về sản xuất trang thiết bị y tế.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cơ bản, chuyên sâu, sản xuất các loại sinh phẩm chẩn đoán, nghiên cứu trong sản xuất các trang thiết bị y tế khác, nghiên cứu ứng dụng trong điều trị… ; tích cực hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh, quản lý, điều hành và phát triển kinh tế số bởi đây chính là thời cơ để phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Yêu cầu đẩy mạnh cung cấp công khai, minh bạch về các biện pháp phòng chống dịch để người dân yên tâm, Thủ tướng nêu rõ, cần tuyên truyền đúng mức, không lạc quan quá, cũng không giật gân khiến người dân hoang mang. Truyền thông cần tập trung vào 3 đối tượng: Y bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chống dịch; các đội ngũ phục vụ trực tiếp như công an, quân đội, kể cả lực lượng biên phòng; những tấm lòng nhân ái
Số ca mắc mới trong tuần chỉ bằng 42% tuần trước đó: Phản ánh phần nào kết quả của việc giãn cách xã hội
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tính đến 12h ngày 9/4, thế giới ghi nhận hơn 1,5 triệu người mắc COVID-19 tại 211 quốc gia, vùng lãnh thổ; số mắc cao nhất là tại Mỹ với 435.128 trường hợp; 4 quốc gia khác có số mắc trên 100.000 trường hợp (Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp); số ca tử vong trên toàn cầu là 88.502 trường hợp.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang thiếu gần 6 triệu điều dưỡng viên, đặc biệt là các quốc gia thuộc khu vực châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và Nam Mỹ. WHO khuyến cáo các quốc gia không nên dỡ bỏ các biện pháp chống dịch COVID-19 quá sớm nhằm tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận 251 trường hợp mắc, trong đó 128 ca đã khỏi bệnh (106 trường hợp tiếp tục được theo dõi tại các cơ sở y tế); 123 bệnh nhân đang được điều trị tại 18 cơ sở khám, chữa bệnh.
Liên quan đến bệnh nhân số 243, cơ quan chức năng đã rà soát, quản lý 456 trường hợp; thực hiện lấy 90 mẫu xét nghiệm; cách ly, theo dõi 331 trường hợp tiếp xúc gần, chủ yếu tập trung tại thôn Hạ Lôi; cách ly khu vực xóm Bàng (thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) với 457 hộ gia đình, 1.825 nhân khẩu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tại Việt Nam, trong tuần từ ngày 1 - 7/4 ghi nhận 31 trường hợp mắc mới, trong đó 22 trường hợp được xét nghiệm dương tính khi đã ở trong khu cách ly tập trung (chiếm 71%), điều này đã hạn chế việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và thể hiện tính đúng đắn khi thực hiện các biện pháp cách ly. Số ca mắc trong tuần chỉ bằng 42% so với tuần trước đó (từ 25 - 31/3) đã phản ánh phần nào kết quả của việc thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4/2020 theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc thực hiện cách ly và khoanh vùng các ổ dịch
- Đối với chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai: Đến 16h00 ngày 08/4/2020 có 3.299 người đang trong bệnh viện, trong đó có 2.238 nhân viên, 783 bệnh nhân (128 bệnh nhân nặng trong đó 30 bệnh nhân tiên lượng tử vong), 278 người nhà bệnh nhân. Đã thực hiện 9.090 xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 8.756 mẫu âm tính, 22 mẫu dương tính đã công bố (18/22 mẫu dương tính từ công ty Trường Sinh).
Đến 18h00 ngày 08/4/2020, đã rà soát 53.592 người bao gồm: 2.272 cán bộ y tế của Bệnh viện, 4.352 bệnh nhân nội trú, 1.885 bệnh nhân ngoại trú, 23.598 bệnh nhân khám ngoại trú, 9.468 người thân/người chăm sóc, 617 nhân viên phục vụ và 10.571 người khác liên quan. Trong số này đã tiến hành cách ly 28.810 người, lấy mẫu xét nghiệm 23.305 người, 8 mẫu dương tính (đã công bố), 15.860 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát người đến bệnh viện Bạch Mai.
- Đối với ổ dịch ở quán Bar Buddha: Có 18 ca nhiễm có liên quan, đã tiến hành rà soát, quản lý 2400 trường hợp, cách ly theo dõi 222 trường hợp, lấy 196 mẫu xét nghiệm.
- Đối với ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội: Hiện có 02 ca nhiễm, đã tiến hành khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người (2.711 hộ dân), đã lấy mẫu làm xét nghiệm 270 người trong số 316 người (là F1 của cả 02 bệnh nhân), kết quả 269 mẫu âm tính.
- Đối với ổ dịch tại Hà Nam: Đã lấy mẫu 140 người tiếp xúc gần (gồm bệnh nhân cùng phòng, cùng phòng đã ra viện, cán bộ y tế), hiện đã có kết quả âm tính với 99 mẫu, số còn lại đang chờ kết quả. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đang tiếp tục điều tra các trường hợp F1, F2.
Về việc phát hiện sớm các ca bệnh
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, chiều ngày 08/4, Thường trực Ban Chỉ đạo đã họp trực tuyến với các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và một số chuyên gia y tế về công tác xét nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19.
Sau khi thảo luận với các chuyên gia đầu ngành về xét nghiệm và rà soát về các yếu tố: Độ chính xác, giá thành, khả năng đáp ứng,…, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất trong thời gian tới phương pháp xét nghiệm phù hợp với điều kiện phòng chống dịch ở nước ta là sử dụng xét nghiệm RT- PCR với test kit do Học viện Quân Y sản xuất, đảm bảo khả năng cung cấp chủ động cho xét nghiệm phòng chống dịch, không phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Bộ Y tế đang thẩm định và cấp phép cho một số đơn vị đăng ký.
Về test nhanh do Vingroup tài trợ, hiện mới về được 14.000 test và cấp toàn bộ cho Hà Nội. Tổng số xét nghiệm hiện nay là 111.000 người. Việt Nam là quốc gia đứng đầu có số lượng người được xét nghiệm trên một ca dương tính. Hiện có 110 phòng xét nghiệm sàng lọc trong đó có 36 phòng xét nghiệm khẳng định. Công suất xét nghiệm đạt 27.000 mẫu/ngày.
Triển khai khám chữa bệnh trực tuyến
Theo báo cáo tổng hợp, hiện có trên 70 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất dự kiến 5,720 triệu chiếc/ngày và 40.000 chiếc khẩu trang N95 hoặc tương đương/ngày.
Hiện có 40 doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn với tổng năng lực sản xuất 7 triệu chiếc/ngày. Các doanh nghiệp đã sản xuất 30 triệu chiếc, trong đó đã xuất khẩu được 7 triệu chiếc.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ TT&TT và các doanh nghiệp chuyển đổi số đang gấp rút hoàn hiện giải pháp và triển khai thử nghiệm nền tảng dùng chung trên nền công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Big data,… nhằm kết nối toàn diện các cơ sở khám chữa bệnh với người dân trên phạm vi toàn quốc phục vụ khám chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng quản lý, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Chương trình này dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trước 16/4, sau đó mở rộng triển khai toàn quốc từ 18/4